Những người đàn ông, từng mắc sai lầm khi còn trẻ dại, nay mong muốn một cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời trên đất Mỹ.
Phuoc Thang và vợ cùng hai con gái Audrina, 16 tháng và Mia 3 tuổi tại nhà ở San Jose, bang California, ngày 20/7. Ảnh: Mercury News.
|
Đáng nhẽ Phuoc Thang, một thợ điện gốc Việt sống ở quận Berryessa, San
Jose, bang California, Mỹ có thể sống yên ấm bên gia đình sau 20 năm lăn
lộn làm lại cuộc đời từ quá khứ tù tội, theo Mercury News.
Nhưng người đàn ông 38 tuổi này không phải là công dân Mỹ. Phuoc Thang
sinh ra trong trại tị nạn của người Việt ở Indonesia. Chưa nhập quốc
tịch và từng phạm tội, Phuoc Thang là một trong những người tị nạn gốc
Việt và Campuchia đang có nguy cơ bị trục xuất về nước khi chính quyền
Tổng thống Trump siết chặt luật nhập cư.
Nhiều người nhập cư có câu chuyện giống Phuoc Thang. Cảm thấy bơ vơ ở
nơi đất khách quê người, những cậu bé mới lớn tìm thấy chỗ dựa tinh thần
ở các băng nhóm và nhanh chóng sa chân vào hoạt động phạm tội. Bị kết
án, những thanh thiếu niên nhập cư nếm mùi nhà tù Mỹ. Mãn hạn tù, những
chàng trai trẻ ngày nào đã trưởng thành, quyết tâm hoàn lương và làm lại
cuộc đời. Họ kết hôn, sinh con và kiếm sống lương thiện trên đất Mỹ.
Phuoc Thang không sinh ra ở Việt Nam và cũng chưa bao giờ đặt chân đến
mảnh đất quê hương. Nhưng anh đang bị ép phải lựa chọn; một là bỏ lại
các con ở Mỹ và một mình trở về Việt Nam; hai là mang theo những đứa con
có quốc tịch Mỹ cùng về.
"Trước kia, tôi thấy sự việc chẳng có gì to tát", Phuoc Thang nói. "Kiểu
như nếu họ gửi trả tôi về thì tôi về. Tôi hiểu những gì tôi làm trong
quá khứ sẽ để lại hậu quả. Nhưng giờ tôi có con rồi, tôi không thể về và
để bọn trẻ lại đây bơ vơ, không ai chăm sóc và giúp đỡ chúng".
Chị Kat Macaya, vợ của anh Phuoc Thang, là một người nhập cư
Philippines, hiểu rất rõ cuộc sống ở một đất nước đang phát triển là thế
nào. Chị không muốn hai cô con gái, Mia 3 tuổi và Audrina 16 tháng đều
sinh ra ở Mỹ, lớn lên trong môi trường khó khăn như vậy. "Chúng tôi đều
có hy vọng và ước mơ ở đây", Macaya nói. "Chúng tôi sẽ lại bắt đầu từ
con số không. Tôi không muốn con cái mình phải nếm trải điều đó".
Cơ quan Di trú và Nhập cư Mỹ bắt đầu tăng cường hoạt động kiểm tra và
bắt giữ từ đầu năm nay khi chính quyền Trump tuyên bố ý định trục xuất
những người nhập cư có tiền án tiền sự, kể cả công dân của những quốc
gia chưa từng hợp tác hay đồng ý nhận lại người từ Mỹ. "Ưu tiên hàng đầu
của chính quyền (Trump) là gửi trả những cá nhân ngoại quốc từng phạm
tội về quê hương của họ", người phát ngôn của Bộ An ninh Nội Địa Mỹ nói.
"Mỗi quốc gia có nghĩa vụ, theo luật pháp quốc tế, chấp nhận sự trở về
của các công dân của mình trong trường hợp họ không đủ điều kiện để sống
ở Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác".
Tính đến ngày 23/7, có 1.836 người Campuchia và 8.585 người Việt có tên
trong danh sách những người đang ở giai đoạn cuối cùng của quá trình
trục xuất khỏi Mỹ. Và phần lớn trong số này đều từng bị kết án.
Washington và Hà Nội ký một thỏa thuận năm 2008, theo đó, những người
nhập cư gốc Việt như Phuoc Thang đến Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục
xuất. Tuy nhiên, chính quyền Trump đang thương lượng lại thỏa thuận cũ
nhằm mục đích mở rộng đối tượng trục xuất bao gồm những người đến Mỹ
trước thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ.
Khi cùng gia đình chuyển đến sống ở San Jose vào đầu những năm 1980, cậu
bé mới lớn Phuoc Thang bắt đầu vướng vào nhiều rắc rối, nghiện ngập và
buôn bán ma túy. Năm 2001, Phuoc Thang bị bắt và kết tội tàng trữ vũ khí
và ma túy không được kháng cáo, đi kèm bản án là lệnh trục xuất từ thẩm
phán. Sau khi thụ án một năm tại nhà tù ở San Quentin, Phuoc Thang được
chuyển thẳng tới trung tâm giam giữ của Cơ quan Di trú và Nhập cư ở
bang Arizona và ở đó trong 6 tháng. Đến năm 2009, anh lại bị bắt vì lái
xe khi say rượu. Nghe lời các bạn tù, Phuoc Thang tin rằng mình sẽ không
bị gửi trả về Việt Nam. Anh yên tâm làm lại cuộc đời.
Năm ngoái, ICE bắt khoảng 200 người Việt và Campuchia trên khắp cả nước
trong một cuộc truy quét mà các nhà hoạt động miêu tả là lớn chưa từng
có. Những đợt bắt giữ tiếp tục diễn ra trong năm 2018.
"Nếu anh ở Mỹ theo diện pháp lý nào đó thì đó như một dạng thỏa thuận có
điều kiện", Ira Mehlman, người phát ngôn của của Liên đoàn Cải cách
Nhập cư Mỹ, tổ chức ủng hộ các chính sách nhập cư cứng rắn, bày tỏ quan
điểm. "Chúng tôi cho phép anh ở lại đây để sống, theo đuổi tự do và hạnh
phúc thì anh phải đồng ý tuân theo luật pháp của đất nước này".
Năm 2002, Campuchia ký thỏa thuận hồi hương với Mỹ, đồng ý nhận lại một
số lượng nhất định công dân mỗi năm. Nhưng số lượng người Campuchia bị
Mỹ trục xuất tăng đột biến vào năm ngoái.
"Người Campuchia dễ nằm trong tầm ngắm", Sophal Ear, giáo sư ngành ngoại
giao và các vấn đề quốc tế tại trường đại học Occidental ở Los Angeles,
nhận xét. "Trump nhìn thấy một hướng ra và ra tay hành động".
Borey "Peejay" Ai chụp tại Oakland, California, Mỹ vào ngày 25/7. Ảnh: Mercury News.
|
Borey "Peejay" Ai là người Campuchia sinh ra trong một trại tị nạn ở
Thái Lan. Cha mẹ anh vượt biên, trốn chạy cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ.
Cả gia đình đến Mỹ khi Ai lên 5 tuổi. Nhưng lớn lên ở một khu dân cư đầy
rẫy tội phạm ở Stockton, hạt San Joaquin, bang California, Ai chật vật
thích ứng. Khi còn nhỏ, Ai chứng kiến em họ 7 tuổi bị bắn chết trong vụ
xả súng kinh hoàng ở trường tiểu học Cleveland.
7 năm sau đó, Ai lại trở thành kẻ cầm súng. Năm 14 tuổi, anh bị kết tội
giết người cấp độ hai sau khi bắn chết một chủ cửa hàng rượu trong một
vụ cướp. Theo phán quyết của tòa án, Ai là một trong những tên tội phạm
trẻ tuổi nhất ở California bị tuyên án chung thân.
Sau 20 năm ngồi tù, Ai được ân xá vào năm 2016. Vào ngày ra tù, những
người chờ anh ở ngoài cổng chính là nhân viên của cơ quan di trú và nhập
cư. Họ đưa thẳng anh đến trung tâm giam giữ Rio Consumes, hạt
Sacramento, bang California. Sau hai năm bị giam, Ai quyết định nộp đơn
kháng cáo và xin thống đốc bang ân xá cho tội giết người. Dù được thống
đốc Jerrry Brown đồng ý ân xá, Ai vẫn có thể bị trục xuất bất cứ lúc
nào.
"Tôi cảm thấy khủng khiếp. Không thể miêu tả cảm giác đó. Tôi không thể
cảm thấy yên tâm. Tôi không dám làm bất cứ thứ gì bởi vì tôi biết vào
một thời khắc nào đó, mọi thứ sẽ mất hết. Người ta sẽ lấy đi của tôi tất
cả", Ai nói.
Trong những năm tháng ngồi tù, anh tận dụng thời gian lấy được chứng chỉ
tư vấn cấp bang chuyên giúp các nạn nhân bạo lực gia đình nhờ sự giúp
đỡ của một tổ chức phi lợi nhuận. Tổ chức này cũng hứa sẽ tìm việc làm
giúp Ai sau khi mãn hạn tù. Anh cũng tham gia vào nhiều chương trình
giúp những người từng vào tù ra tội hòa nhập cộng đồng.
"Tôi nhận ra mình đã có những lựa chọn sai lầm trong đời", Ai nói. "Tôi
biết không thể quay ngược thời gian, rút lại những gì mình đã làm nhưng
tôi đang có gắng hết sức để làm điều có ích cho cộng đồng, bù đắp những
tội lỗi của mình".
"Tất cả những gì tôi cầu xin là một cơ hội để sống tử tế. Để cứu chuộc bản thân như một con người".
An Hồng