Lần thứ hai được ân xá giúp cho ông Nguyễn Thanh Tùng, bang California, nghĩ đến tương lai sau gần 30 năm sống ở Mỹ.
Nguyễn Thanh Tùng, ngoài cùng bên phải, cùng hai người bạn hỗ trợ hoạt động phản đối lệnh trục xuất của Mỹ. Ảnh: Facebook.
|
"Tôi hy vọng rằng mình sẽ được xóa hết các tội lỗi trước đây và xin lại
thẻ xanh để được tiếp tục ở lại trên đất Mỹ", Nguyễn Thanh Tùng, một
trong ba người Việt mới được Thống đốc bang California Edmund Brown ân
xá mới đây, nói với VnExpress. Anh nằm trong danh sách những người Việt chờ bị trục xuất do phạm tội nhiều năm trước đây.
Ông Brown ngày 21/11 tuyên bố lệnh ân xá cho 38 người và giảm án cho 70
người, trong đó có ba người gốc Việt. Theo luật sư Tania Pham, một người
tập trung hỗ trợ người Việt ở California, những người được ân xá gần
như chắc chắn có cơ hội không bị trục xuất.
Đến Mỹ từ năm 1991 khi mới 13 tuổi, ba năm sau, Tùng mắc sai lầm khi
tham gia một vụ đâm người gây sát thương. Dù chưa đến tuổi thành niên,
anh vẫn bị xét xử và kết tội như một người trưởng thành, lĩnh án 25 năm
tù. Sau 18 năm tù giam, Tùng được tha bổng trước thời hạn do liều mình
cứu người trong một vụ xô xát giữa các tù nhân.
Khi đó, Tùng nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội bắt đầu lại cuộc sống mới. Tuy
nhiên anh lại phải đối diện một nguy cơ khác, nhận lệnh trục xuất của
chính quyền từ tháng 10/2011 do chưa phải là công dân Mỹ. Anh bị tạm
giam trong một tháng để chờ lệnh trục xuất, sau đó được trả tự do, vì
khi đó Việt - Mỹ có hiệp ước không trục xuất người Việt Nam đến Mỹ trước
năm 1995.
Tuy vậy, anh chưa bao giờ sống bình an, luôn lo sợ một ngày sẽ bị Cơ
quan quản lý Di trú và hải quan Mỹ (ICE) bắt và đưa về Việt Nam. Thêm
một lần nữa, anh có nguy cơ bị ly tán với gia đình sau 18 năm chờ đoàn
tụ.
"Cảm giác đó sẽ còn theo đuổi tôi đến cuối đời", Tùng nói.
Đến đầu năm 2017, nỗi lo sợ của anh trở thành sự thật, khi chính quyền
của Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt chính sách với người nhập cư,
ra lệnh trục xuất những người từng có tiền án. ICE từ tháng 3/2017 đã mở
chiến dịch truy bắt những những người Việt tị nạn từng phạm tội và bị
kết án ở Mỹ. Theo thống kê, ICE năm ngoái bắt giữ 71 người nhập cư gốc
Việt và 35 trường hợp khác vào năm 2016.
Cục điều tra dân số Mỹ ước tính có khoảng 1,3 triệu người Việt nhập cư
sống tại Mỹ. Trong số này, có tới 10.000 người Việt nhập cư nhận lệnh
trục xuất, nhiều trường hợp là vì mất "thẻ xanh" do từng bị kết án.
Những người rời khỏi Việt Nam trước ngày 12/7/1995, thời điểm hai quốc
gia nối lại quan hệ ngoại giao, cũng thuộc nhóm bị bắt giữ. Việc trục
xuất những người gốc Việt được thực hiện bất chấp Việt Nam và Mỹ đã ký
một hiệp định song phương vào năm 2008 để đảm bảo những người từ Việt
Nam đến Mỹ trước ngày 12/7/1995 sẽ không bị trục xuất về nước.
Khi đó Tùng nghĩ rằng mình phải tìm cách để tồn tại, phải đấu tranh để
không bị liệt vào nhóm bị trục xuất. Anh gặp gỡ nhiều người trong cộng
đồng, nói về các quy định không công bằng của ICE. Tùng cho rằng mình và
những người cùng hoàn cảnh đều đã phải trả giá cho lỗi lầm của mình (bị
tù giam), đã hối cải và muốn có cuộc sống bình thường, giúp ích cho xã
hội. Trong khi đó, ICE không xem xét kỹ hoàn cảnh hiện tại của những
người này.
Trong mấy năm gần đây, Tùng tổ chức nhiều hoạt động nhằm phản đối chính
sách phi lý của chính quyền, hỗ trợ những người có cùng hoàn cảnh. Anh
cho rằng vấn đề ICE đưa ra không đơn giản là xem xét tiền án của những
người từng phạm tội, mà là ảnh hưởng đến cuộc sống của những người đã
hối cải, ảnh hưởng đến gia đình và người thân của họ. Hồi tháng 2/2018,
anh tham gia vụ kiện ICE vi phạm luật liên bang khi bắt giữ những người
gốc Việt chờ trục xuất.
Sau nhiều nỗ lực, Tùng may mắn nhận lệnh ân xá thứ hai từ thống đốc bang California hôm 21/11.
"Đây là lần đầu tiên từ khi ra tù tôi có can đảm nghĩ đến ước mơ, nghĩ đến tương lai" anh chia sẻ.
Với những kinh nghiệm của mình, Tùng cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động
giúp người Việt tránh bị trục xuất. Anh cho rằng có nhiều người chưa
hiểu rõ quy định và không biết cách tự bảo vệ mình.
Đánh giá về truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Trump hôm 26/11 bỏ quyết
định trục xuất người nhập cư gốc Việt đến Mỹ trước năm 1995, Tùng cho
hay đây không phải là quyết định hủy lệnh trục xuất. Anh cảnh báo những
người đã có lệnh này sớm hay muộn cũng sẽ bị trục xuất, do đó họ cần
phải xem xét có thể làm gì để "cứu mình".
"Tôi hy vọng những ai thuộc diện bị trục xuất nên tiếp tục nỗ lực để đấu
tranh cho mình, đừng chờ ngày bị trục xuất đến", anh nói.
Khánh Lynh