Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Ba Cuộc Phỏng Vấn Và Hai Năm Phóng Vẩn-Về Bọn Sát Nhân Cầm Máy Của PBS/ProPublica



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống Ngày 151110
"Vùng Oanh Kích Tự Do"


Về Bọn Sát Nhân Cầm Máy Của PBS/ProPublica 


* Hình ảnh năm xưa của Đại hội Chính nghĩa ở Virginia  Ảnh do báo Sống thu thập được * 



Trong một xứ của người câm thì người mù mắc bệnh điếc. Louis Scutenaire



Mọi chuyện khởi sự vào… mùng một Tết!

Mùng một Tết Ất Mùi 2015, hai nhà báo Mỹ là A.C. Thompson và Richard Rowley, mà khi đó chưa ai biết tên, liên lạc với người viết để xin phỏng vấn về cộng đồng người Việt 40 năm sau biến cố 1975. Dĩ nhiên là đồng ý “nhưng hãy để sau Tết đã”.

Sau đó, người viết mời họ dùng một bữa trưa tại Saigon Bistro để nói chuyện về cuộc phòng vấn. Rồi, hình như là mùng năm Tết, người viết này lại mừng rắn vào nhà xông đất!

Ba người đến tận nhà gắn đèn dựng phông để phỏng vấn. Chỉ vài phút sau, câu chuyện hết là những thành tựu của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Thí dụ như các gia đình ngư phủ Công giáo gốc Việt dạt qua Louisiana hay Texas sinh sống đã từng bị kỳ thị và hành hung như thế nào, rồi ngày nay con cháu họ sống ra sao, ai tốt nghiệp kỹ sư, bác sĩ, họ đã đóng góp những gì cho nước Mỹ?

Câu chuyện xoáy vào một vụ ám sát bằng máy của các nhà báo lưu manh, vì họ chỉ muốn người viết nói về những vụ ám sát của Mặt trận Hoàng Cơ Minh!

Người viết này đã ra khỏi tổ chức Mặt Trận từ năm 1991, và không liên hệ hay đồng ý với tổ chức Việt Tân sau đó. Nhưng khi còn ở bên Mặt Trận thì từng đã bị cơ quan FBI điều tra điều mẹ! Các nhà báo khoe là đã đọc hồ sơ đó của FBI và biết người viết này vô can, nhưng muốn hỏi thêm về chuyện khác.

Khi ấy, người khôn ngoan tất nhiên tắt đèn và giữ im lặng. Người viết này không thuộc diện đó! Đã tiếp tục trả lời mà còn tranh luận trong hơn hai tiếng đồng hồ bật máy vì thấy danh dự của dân tỵ nạn bị xúc phạm. A. C. Thompson gọi là không khí rất “tense” với một nhân chứng rất lạ. Rồi Tháng Chín trôi qua mà chưa thấy PBS/ProPublica đưa ra kết quả phóng sự như đã hứa hẹn.

Tháng Chín đó, họ quay về xin phỏng vấn lại. Lần hai là vào ngày 11 Tháng Chín, tại một khách sạn ở Costa Mesa. Cũng vẫn ba người với đầy đủ máy móc dụng cụ tân kỳ của nhà báo chuyên nghiệp.

Khi đó, họ khỏi cần biết về ông Hoàng Cơ Minh và chủ trương đấu tranh năm xưa của Mặt Trận, là từ bỏ khái niệm chiến tranh mà xoay vào việc đấu tranh để làm Việt Nam thay đổi.

Họ xoáy vào việc các nhà báo bị ám sát, việc Mặt Trận có được Mỹ yểm trợ hay không, v.v…. Họ còn đề nghị, như trong phim trinh thám, rằng người viết này sẽ được họ che giấu nhân dạng lẫn tiếng nói, để có thể nói thật. Sự thật thì chỉ có một, nên người viết nhận lời, xem họ muốn tìm đến đâu, để làm gì? Không khí đã có mùi của một vụ ám sát, một hit-job, nhắm vào một người đã chết.

Là ông Hoàng Cơ Minh!

Không đạt “mục đích yêu cầu” như chữ của người Hà Nội! Nên hôm sau A.C. Thompson gọi lại, báo rằng cả toán có thể hoãn chuyến bay để phỏng vấn lần ba. Thì cũng sẵn sàng chứ chẳng lẽ văng tục - hay quay bài bỏ chạy?

Sau đây là những gì người viết còn nhớ lại về ba cuộc phỏng vấn. Nhưng xin có ngay một ý kiến dù hơi chậm mà còn hơn không cho người khác: Nói chuyện với nhà báo loại này thì mình nên có máy ghi âm từ khi gặp mặt, và an toàn hơn cả là nên có luật sư. Hoa Kỳ là một nước pháp trị mà!


***

Vì sao ông tham gia Mặt Trận?


Từ bên Pháp qua, vào năm 1983, tôi được hai người bạn thân móc nối – nói tên ra là sẽ bị họ làm phiền, nhưng sự thật là nhà ngoại giao Phạm Dương Hiển và giáo sư Nguyễn Ngọc Bích - vì một người của Mặt Trận xin gặp là Đại tá Phạm Văn Liễu, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại của Mặt Trận. Người viết nhận lời, từ San Francisco bay qua Washington D.C. gặp Phạm Văn Liễu.

Lần đầu gặp gỡ một Đại tá khét tiếng là ưa đảo chánh từ trước 1975, người viết đã hỏi: “Anh có nghĩ là sẽ thành công trong việc này không, và năm năm nữa thì sẽ làm gì, ở đâu?”

Đây là câu trả lời của Phạm Văn Liễu: “Tôi không như (thằng) Thiệu về hưu đi câu mà sẽ nắm lấy quyền!” Câu trả lời khiến người viết này giật mình và ngồi nghe ông Liễu kể lể về thành tích của ông, như vì cái mưu của nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến mà lại nhượng quyền cho các ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, v.v… nên hụt mất quyền.

Với người viết, chuyện ấy quá xa lạ và kỳ cục nên tôi nêu vấn đề với ông Liễu về tinh thần hung hăng của đoàn viên Mặt Trận khi ấy khiến nhiều người phật ý. Người viết này từ chối gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam và cũng chẳng tham gia Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến khi ấy do Cụ Phạm Ngọc Lũy làm Chủ tịch. Nhưng vì lý tưởng, vẫn giúp họ tổ chức một đại hội chào mừng ông Hoàng Cơ Minh sẽ từ trong “chiến khu” ra.

Đó là Đại hội Chính Nghĩa tại khu vực Washinton D.C. mà người mình tại miền Đông có lẽ còn nhớ.

Chuyện này người viết không nói ra trong các cuộc phỏng vấn, nhưng có thể giải thích tâm lý của mình: khi tổ chức Đại hội Chính Nghĩa, hai người bạn là Phạm Dương Hiển và Nguyễn Ngọc Bích nêu vấn đề với Phạm Văn Liễu: “Sao các anh cứ dùng một người như Cao Thế Dung viết lách chửi bới thiên hạ khiến đồng bào Công giáo rất khó chịu về Mặt Trận?” Bạn tôi đã mất là Sứ thần Ngoại giao Phạm Dương Hiển thuộc một gia đình Công giáo thuần thành, ông Nguyễn Ngọc Bích thì vẫn còn. Câu trả lời của Phạm Văn Liễu khiến ông Hiển nổi giận khoác áo ra về: “Tôi dùng Cao Thế Dung như con chó để xủa những kẻ chống đối!”

Sau Đại hội Chính Nghĩa người viết mới lần đầu gặp riêng Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, cũng trong nhà Cụ Phạm Ngọc Lũy, và cũng lại câu hỏi về cái chí của một người muốn lãnh đạo một cuộc cách mạng: “Ông có tin là sẽ thành công không? Và năm năm nữa ông sẽ ở đâu, làm gì?”

Câu trả lời của ông khiến người viết là một chuyên gia kinh tế lại bỏ hết mà tham gia “Mặt Trận Hoàng Cơ Minh”: “Tôi không tin là trong đời mình sẽ thấy Việt Nam được giải phóng khỏi chế độ Cộng sản. Nhưng tôi thà chết trong rừng như một thảo khấu còn hơn làm một người tỵ nạn ở hải ngoại.” Một câu nói có tính chất tiên tri của bậc anh hùng. Ba năm sau, ông tử trận tại Hạ Lào.

Sau đó, người viết nhận lời của Chủ tịch Hoàng Cơ Minh làm Vụ trưởng Vụ Tuyên Vận trong Ban Chấp hành Tổng vụ Hải ngoại tại San Jose, với Phạm Văn Liễu là Tổng vụ trưởng.

Cả hai lời phát biểu của ông Liễu rồi ông Minh đều được người viết nói ra và yêu cầu các nhà báo Mỹ nên trích dẫn lại vì nói đến tâm hồn của hai nhân vật khác biệt. 


Hoa Kỳ, Mặt Trận Hoàng Cơ Minh và Phạm Văn Liễu


Trong các cuộc phỏng vấn, từ lần đầu qua hai lần sau, vai trò của Hoa Kỳ đã được họ nêu ra.

Người viết này giải thích như sau và nói đến nhân vật Richard Armitage. Trong cuộc chiến tại Việt Nam, khi ông Armitage còn là một sĩ quan Hải quân (hình như chuyên về tình báo), ông Minh đã có một hành động quả cảm và đầy rủi ro để cứu Armitage ra khỏi vùng lửa đạn khi ông bị quân Cộng sản bao vây và lâm nguy. Từ đó, giao tình giữa hai người sĩ quan Hải quân có những gắn bó mà ít ai biết. Vì vậy, khi ông Armitage có nhiệm vụ tại Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan, ông Minh có thể đã tiếp xúc và nhân một nhu cầu cục bộ của Hoa Kỳ về việc tìm kiếm các tù binh hay lính chiến Mỹ bị mất trong cuộc chiến tại Đông Dương, mà tương kế tựu kế dàn dựng việc kháng chiến.

Với người viết này, và ngược với lời khuyên của nhiều người có lòng, hành động đó là lý do chính đáng để mình gia nhập đấu tranh vì từ mấy chục năm nay, đây là người Việt Nam đầu tiên đã dám lấy những quyết định cho vận mệnh quốc gia mà không hỏi ý hay thậm chí xin phép Hoa Kỳ!

Sau Đại hội Chính nghĩa đã nói ở trên tại Virginia, và nhân dịp ông Minh ra hải ngoại, hai ông Minh và Liễu đã có gặp riêng ông Richard Armitage tại tư thất. Người viết là người lái xe và ngồi ngoài. Nhưng, đây là cảm nghĩ mà người viết có nói ra trong cuộc phỏng vấn: sau buổi gặp gỡ, trên xe trở về, ông Minh lặng thinh không nói gì. Ông Liễu thì thất vọng ra mặt.

Người viết này đoán ra kết qủa vì sau đó ông Liễu nói riêng rằng qua Armitage, ông biết Hoa Kỳ không yểm trợ và chẳng muốn dính dáng gì đến việc làm của Mặt Trận! Từ đấy, ông Liễu xoay chiều: "Không có Mỹ thì việc làm của ông Minh sẽ thất bại, chi bằng ta tính kiểu khác và ông (người viết này) sẽ là Như Phong, một cố vấn của tôi!" Diễn nôm na cho nhà báo Mỹ hiểu, Phạm Văn Liễu lại muốn đảo chánh Hoàng Cơ Minh và lập ra một tổ chức chẳng còn dính dáng gì với chiến khu của ông Minh.

Người viết này cự tuyệt một vụ đảo chánh khi đã hết chánh quyền, mà chẳng biết làm sao cho anh em hay chính ông Minh hiểu được sự thể nghiêm trọng ấy. Họ là sĩ quan trong quân đội cũ, từng sát cánh thành lập phong trào kháng chiến thì giao tình chắc là phải khắng khít lắm. Hậu quả là một vụ khủng hoảng trong nội bộ Mặt Trận và qua mấy tháng liền Phạm Văn Liễu gây sức ép: “Ông chẳng ham tiền, nếu còn cố bênh ông Minh, tôi sẽ cho tụi nhà báo dưới Orange County biết ông là cháu của trùm cộng sản Nguyễn Văn Linh!”

Chỉ vì là trong các phiên họp của Ban Chấp hành Tổng vụ Hải ngoại, Vụ trưởng Tuyên vận trình bày nhận định của mình về tình hình Việt Nam và nói đến một nhân vật khi ấy đang bị thất sủng, con trai còn bị phe bảo thủ ám sát, đó là ông Nguyễn Văn Linh. Đây là một người cộng sản thuần thành, “true believer” cho nhà báo Mỹ hiểu, tuyệt đối tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ông ta vẫn có hy vọng trở lại khi Mikhail Gorbachev lên cầm quyền tại Liên Xô và nếu Hà Nội tiến hành cải cách theo chiều hướng của Nguyễn Văn Linh thì tình hình sẽ thay đổi và ảnh hưởng đến cục diện đấu tranh. Mà ông ta là bác ruột của người viết, thân mẫu là chị ruột của ông nội!

Giữa các “chiến hữu” với nhau, đây là loại thông tin bình thường. Nhưng trong tâm trí của một kẻ có tà ý thì đấy là điều có thể khai thác được! Sau đó, trong cả chục năm, người viết này lãnh thêm cái nón cối – là Việt cộng - của một người muốn làm lãnh tụ quốc gia….

Trong cả ba cuộc phỏng vấn kín hở, điều này đã được nói ra, nhưng không hề được các nhà báo Mỹ tường thuật! Một sự gian trá nối dài….


Đơn Vị K-9 Đầy Bí Hiểm


Cũng trong ba cuộc phỏng vấn, người viết này được A.C. Thompson và Richard Rowley hỏi về đơn vị bí mật K-9 mà họ trình bày như một đám sát thủ! Sự thật nó rắc rối hơn vậy….

Trong tổ chức của Tổng vụ Hải ngoại do ông Phạm Văn Liễu cầm đầu cho đến khi ly khai, tổ chức của Mặt Trận có các Khu Bộ, Xứ bộ hay Chi bộ hoạt động tại Âu Châu, Úc Châu hay từng tiểu bang Hoa Kỳ. Vào thời ấy, cộng đồng người Việt tại hải ngoại có nhiều nhân vật nổi tiếng ngày xưa tại miền Nam, như tầng lớp tướng tá hay các chính khách và nhân sĩ. Họ có thể ủng hộ Mặt Trận, nhưng một cách kín đáo thôi, và khó là đoàn viên của Mặt Trận tại địa phương, dưới sự điều động của một Chi bộ trưởng hay Xứ bộ trưởng chỉ là kỹ sư hay Đại úy lưu vong. Vì vậy, ông Liễu đề nghị lập ra một Khu bộ đặc biệt dưới bí danh K-9 do ông trực tiếp điều động mà không qua hệ thống tổ chức thông thường. Đó là Khu bộ K-9.

Người viết này rất thận trọng khi tránh nói về các bậc chức sắc của chúng ta trong hệ thống K-9 của ông Phạm Văn Liễu vì sợ họ sẽ lại bị các nhà báo này liên lạc và làm phiền!

Nhưng, các nhà báo Mỹ đã có hai năm chuẩn bị nên gặng hỏi về việc cựu đoàn viên Mặt Trận là Trần Văn Bé Tư đã xác nhận mình là đoàn viên của K-9 khi ám sát hụt ông Trần Khánh Vân! Người viết hoàn toàn không biết chuyện K-9 đã “thoát xác” như vậy vì chuyện ấy xảy ra sau khi ông Phạm Văn Liễu bị Chủ tịch Hoàng Cơ Minh cách chức và ly khai thành một tổ chức khác, nên ông Liễu muốn có một hành động biểu dương khí thế chống cộng.

A.C. Thompson và đồng bọn không hề nhắc đến chi tiết động trời này vì muốn chụp mũ ông Hoàng Cơ Minh và Mặt Trận của ông về việc sát hại các nhà báo!

Họ cũng không dám nói rằng khi K-9 của ông Phạm Văn Liễu muốn ra tay, đối tượng cái nhóm phiêu lưu này muốn chọn chính là… Nguyễn-Xuân Nghĩa. Về sau, sợ bị FBI điều tra về tội bắn Nguyễn-Xuân Nghĩa, nhóm người này mới nhắm vào các nhà báo “thân cộng”, kể cả Đỗ Ngọc Yến của tờ Người Việt, một bạn chí thiết của người viết này. Và cuối cùng thì Trần Khánh Vân lãnh đạn!

Kết luận khi ấy của người viết cho các nhà báo Mỹ: Phạm Văn Liễu ưa làm loạn, không coi trọng tự do tư tưởng, nhưng luộm thuộm (sloppy) nên chẳng làm ra chuyện gì. Khốn nỗi nhà báo đã có chủ đich. Họ làm nốt phần vụ còn lại là tạo ra một hình ảnh tồi tệ, hiếu chiến và hiếu sát, về cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa trong thế kỷ 21, tại Little Saigon!

Họ mất bao nhiêu tiền để có một “phóng sự ba xu” (nikelodeon) như vậy?

Người viết này xin trở về chuyện kế toán: người Việt hải ngoại gửi về nhà 14 tỷ đô la. Chế độ cộng sản chỉ dùng 1% của ngân khoản ấy – là 140 triệu một năm – cũng đủ sai khiến các doanh gia hay nhà báo Mỹ đã có sẵn thiên kiến về Việt Nam Cộng Hòa! Sẽ có ngày họ về Việt Nam để lại làm phóng sự về vụ Mỹ Lai mà bỏ qua Mậu Thân 1968 tại Huế…

Người viết này chỉ mong rằng cộng đồng chúng ta không mắc bệnh câm, điếc hay mù!