Mặt Trận và A.C. Thompson
Bùi Văn Phú
Phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon” của A.C. Thompson chiếu trên hệ thống truyền hình PBS tại Hoa Kỳ hôm 3/11 đã gây phản ứng sôi nổi trong cộng đồng người Việt khắp nơi từ hai tuần qua.
Câu chuyện về Mặt Trận lại một lần nữa ồn ào lên, vốn dĩ vì từ trước đến nay, dù đã hơn ba thập niên qua nhưng vẫn có kẻ bênh người chống.
Phóng sự điều tra, và tài liệu cùng chủ đề đã đăng trên mạng cơ sở truyền thông ProPublica.com, cáo buộc Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, thường được gọi là Mặt Trận, đứng sau các vụ giết những nhà báo gốc Việt từ năm 1981 đến 1990.
.
Sau khi phim được phổ biến, nhiều cựu lãnh đạo Mặt Trận đã lên tiếng.
Các ông Hoàng Cơ Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lý Thái Hùng, Hoàng Tứ Duy, Đỗ Hoàng Điềm là thành phần lãnh đạo Mặt Trận trước đây, và nay, trừ ông Nghĩa, hiện đang lãnh đạo Đảng Việt Tân, một tổ chức hoạt động trong và ngoài nước đòi dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.
Trên báo Người Việt ở Quận Cam, Ông Định phản bác nhận định của cựu nhân viên FBI Katherine Tang-Wilcox cho rằng Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng, tổ chức đã gửi thư cho báo giới nhận trách nhiệm đã giết Dương Trọng Lâm và Nguyễn Đạm Phong, cũng là Mặt Trận. (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217101&zoneid=1)
.
Trả lời phóng viên Hà Giang của báo Người Việt, ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng ông là nạn nhân của ký giả A.C. Thompson. Trong những lần phỏng vấn ông Nghĩa không hề nói ông đã tham dự một buổi họp của Mặt Trận, trong đó có người đề nghị ám sát một nhà báo Việt và ông Nghĩa đã ngăn cản, như Thompson tường thuật trong bài viết. (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217099&zoneid=1)
.
Trong phỏng vấn với luật sư Nguyễn Hoàng Duyên trên hệ thống truyền thông CaliToday, ký giả A.C. Thompson quả quyết ông Nghĩa đã nói như thế và còn cho biết nhà báo đó là cố chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến của báo Người Việt. (http://baocalitoday.com/vn/tin-tuc/cong-dong/ac-thompson-tra-loi-cac-van-de-qua-phim-terror-in-little-saigon.html)
Nhật báo Người Việt đã nhiều lần bị hăm dọa, xe báo đã bị đốt thì việc ai đó muốn nhắm vào ông Đỗ Ngọc Yến không phải là điều không tưởng.
.
Riêng với người viết bài này, từng tham gia sinh hoạt cộng đồng người Việt ở vùng Vịnh San Francisco từ năm 1975 và đã nghe thấy những lời hăm dọa, từ đánh cho gãy răng hoặc bắn bỏ những ai là cộng sản, trong những buổi họp cộng đồng, khi Mặt Trận chưa ra đời.
Năm 1975, ngay khi còn ở trong Camp Pendleton, những sinh viên du học vào trại nói chuyện và tuyên truyền cho chiến thắng của cộng sản Bắc Việt đã bị đồng bào rượt đuổi.
.
Cuối thập niên 1970, tại Đại học Berkeley, nổi tiếng là trung tâm của các hoạt động phản chiến, những thành phần sinh viên Việt du học ở đây đem chiếu phim “Chiến thắng năm Mão” và “79 mùa xuân của Bác Hồ” đã bị nhiều người từ San Jose kéo lên quấy phá, đánh lộn.
Vietnamese Youth Center, tiếng Việt là Trung tâm Phát triển Thanh thiếu niên Việt, của Dương Trọng Lâm đã từng bị biểu tình phản đối vì phát hành báo Cái Đình Làng với nhiều bài tuyên truyền lấy từ các báo trong nước.
Ở đâu có cộng sản, ở đó có người Việt tị nạn kéo đến biểu tình vì họ là nạn nhân của cộng sản.
.
Đầu thập niên 1980, khi Hoa Kỳ còn cấm vận và chưa có bang giao với Việt Nam, nhân viên ngoại giao Việt Nam ở Liên Hiệp quốc không thể đi ra khỏi thành phố New York nếu không có phép của chính phủ Mỹ. Khi Đại sứ Việt Nam ở Liên Hiệp quốc là Hà Văn Lâu đến Đại học Berkeley nói chuyện cũng bị người Việt từ San Jose kéo lên biểu tình.
Hàng năm đến ngày 30-4 và ngày Quốc tế Nhân quyền 10-12 đều có biểu tình trước tòa thị chính San Francisco với hàng nghìn người.
.
Trong tháng Bảy có ngày “Những Quốc gia bị Cộng sản chiếm đóng” người Việt cùng với dân gốc các nước đã bị Liên Xô sát nhập kéo đến biểu tình trước Tổng lãnh sự quán Liên Xô ở San Francisco.
Phải nhìn tổng thể vào chính trị Hoa Kỳ trong khoảng thời gian đó. Sau thất bại của người Mỹ ở Việt Nam, và với chính sách đối ngoại thiếu cứng rắn của Tổng thống Jimmy Carter, khuynh hướng chống Mỹ nổi lên ở nhiều nơi như Nicaragua, Angola, Iran, El Salvador, Grenada.
.
Tháng 11/1980 Ronald Reagan được bầu chọn làm tổng thống. Ông nổi tiếng với chủ trương chống cộng sản mạnh mẽ.
Cùng lúc trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới tinh thần chống cộng cũng sôi sục. Võ Đại Tôn từ Úc tìm đường về nước, Hoàng Cơ Minh từ Mỹ về lập chiến khu ở biên thùy Đông Dương, Trần Văn Bá từ Pháp xâm nhập vào nội địa Việt Nam; Đỗ Thông Minh, Huỳnh Lương Thiện của Người Việt Tự Do bên Nhật làm đầu cầu cho kháng chiến, Ủy ban Cứu nước Việt Nam của Trương Như Tảng ra đời.
.
Vì thế khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa nói rằng khi lập ra Mặt Trận ông Hoàng Cơ Minh không hề muốn dùng vũ lực là điều không thật. Nếu không, tại sao báo Kháng Chiến của Mặt Trận có thời ông Nghĩa làm chủ nhiệm lại đầy các tin chiến sự, nay chiếm được chỗ này, mai đánh phá chỗ nọ trong nội địa Việt Nam.
Những hoạt động của Mặt Trận thì nhiều giới chức Mỹ và Thái Lan biết rõ như trong phóng sự của A.C. Thompson đã đưa ra bằng chứng về quan hệ giữa quan chức Mỹ là ông Richard Armitage, lúc đó là thứ trưởng bộ quốc phòng, với ông Hoàng Cơ Minh.
Người viết bài này năm 1983 có nghe tin từ chính giới Mỹ nói số tiền yểm trợ kháng chiến lúc đó được hơn 3 triệu đô-la.
.
Về phía Thái Lan, theo lời ông Đỗ Thông Minh, một trong những người cùng sáng lập Mặt Trận, nói trên hệ thống truyền thông CaliToday thì các chuyến đi Thái đều có sự sắp xếp của ông Nguyễn Chí Trung, cựu quan chức ngoại giao Việt Nam Cộng hòa tại Bangkok, với giới chức tình báo Thái để ông và các ông Hoàng Cơ Minh, Phạm Văn Liễu ra vào đất Thái mà không để lại dấu tích gì. (http://baocalitoday.com/vn/tin-tuc/cong-dong/sang-lap-vien-mat-tran-hoang-co-minh-tiet-lo-mot-so-dieu-quan-trong.html)
A.C. Thompson đã đến Thái và Lào để tìm hiểu hư thực. Phóng sự có đoạn phỏng vấn một người Lào nói từng đưa Hoàng Cơ Minh qua biên giới.
Tôi đặt nghi vấn là khi đi kháng chiến, ông Minh không có bí danh mà dùng tên thật hay sao, để người dân địa phương như một người Lào khi nhắc đến tên Hoàng Cơ Minh là biết đó là ai. Hơn nữa, khi ông Minh xin nhập tịch Mỹ đã chọn một tên khác, là tên người Nhật.
.
Phóng sự của A.C. Thompson có phỏng vấn một số người được cho là thành viên của Mặt Trận.
Tôi không hiểu cơ cấu tổ chức của Mặt Trận ra sao. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu một ai đó nói họ là người của Mặt Trận, thì có gì để chứng minh người đó thực sự là một thành viên chính thức của Mặt Trận. Có thẻ đoàn viên? Có đóng tiền gia nhập tổ chức? Ai là cấp lãnh đạo trực tiếp của người đó?
Vì trong phim có phỏng vấn Nguyễn Đăng Khoa, một nhân vật thường mặc quân phục Việt Nam Cộng hòa trong các cuộc biểu tình và sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở vùng San Jose, và ký giả A.C. Thompson nói ông Khoa là cựu thành viên của Mặt Trận. Trong khi ông Lý Thái Hùng, nguyên thành viên lãnh đạo Mặt Trận và hiện là Tổng Bí thư Đảng Việt Tân lại phủ nhận, không biết ông Khoa là ai. (http://baocalitoday.com/vn/tin-tuc/cong-dong/tong-bi-thu-viet-tan-phim-terror-in-little-sai-gon-day-ac-y-va-xuc-pham-danh-du-cong-dong.html)
Khi được hỏi về K-9, ông Khoa lắc đầu nói không biết, nhưng câu nói đó không được dịch ra. Thư của ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên Đảng Việt Tân, gửi cho đài PBS và ProPublica đã có dẫn chứng điều này. (http://viettan.org/Open-Letter-to-Frontline.html)
Ký giả A.C. Thompson nói ông có cảm nhận là Nguyễn Đăng Khoa biết nhiều hơn những điều ông nói ra. Đây là một sự suy diễn ra ngoài chức năng của một người làm truyền thông chuyên nghiệp.
.
Về K-9, các ông Hoàng Cơ Định và Nguyễn Xuân Nghĩa đều nói Mặt Trận có K-9, tức là Khu 9. Các khu vực trong tổ chức của Mặt Trận gồm nhiều vùng và quốc gia trên thế giới từ Hoa Kỳ, Châu Âu, Đông Âu đến Nam Mỹ. Khu 9 là một khu đặc biệt gồm những tướng lãnh, quan chức cao cấp ủng hộ Mặt Trận nhưng không thể sinh hoạt với đoàn viên khu bộ. Vì đã có 8 khu nên khu đặc biệt đó là K-9, theo thứ tự sẵn có, và do Tổng Vụ trưởng Hải ngoại Phạm Văn Liễu phụ trách riêng.
.
Trần Văn Bé Tư từng là thành viên Mặt Trận nhưng đã rời tổ chức trước khi ông bắn Trần Khánh Vân vào năm 1984 vì ông này kêu gọi đối thoại với Hà Nội. Trước đó ông có được mời gia nhập K-9 nhưng từ chối.
Kể từ đầu năm 1985, sau khi bể ra làm hai, Mặt Trận có hai phe là phe ông Phạm Văn Liễu và phe ông Hoàng Cơ Minh. Phe ông Liễu sau đó không còn thấy hoạt động.
Mặt Trận công bố cương lĩnh vào tháng 3/1982 và chính thức giải thể vào tháng 9/2004 để đưa Đảng Việt Tân, một cơ sở ngoại vi của Mặt Trận ra công khai hoạt động với chủ trương bất bạo động và đang làm nhức đầu giới lãnh đạo Hà Nội.
.
Sau khi phóng sự “Terror in Little Saigon” được phổ biến, có ý kiến cho rằng đây là việc Mỹ muốn dẹp Đảng Việt Tân vì Hoa Kỳ đã tuyên bố là tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.
Tôi không nghĩ như thế. Việc điều tra tìm ra thủ phạm đã giết những nhà báo gốc Việt là điều giới chức năng cần phải làm.
Bà Katherine Tang-Wilcox, một cựu nhân viên FBI – tức Cục Điều tra Liên bang Mỹ – đã mất ăn mất ngủ, bị loét dạ dầy vì không tìm ra được thủ phạm trong các vụ giết nhà báo gốc Việt.
Qua phóng sự “Terror in Little Saigon”, ProPublica đưa ra lời kêu gọi những ai có tin tức về những cái chết của nhà báo gốc Việt hãy giúp cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm. Hy vọng FBI dịp này có thêm chứng cớ để mở lại hồ sơ.
.
Xem phóng sự của A.C. Thompson tôi nhớ đến tác phẩm “The Sympathizer” của Nguyễn Thanh Việt mới xuất bản đầu năm nay, như ma trận sinh hoạt chính trị cộng đồng Việt. Bề nổi, bề chìm. Quốc gia, cộng sản.
Tuy là tiểu thuyết giả tưởng nhưng Nguyễn Thanh Việt có nhiều quan sát và hiểu biết về bề sâu của chính trị, của cuộc chiến Việt Nam còn kéo dài. Vì thế tác phẩm này đang được độc giả Mỹ nồng nhiệt đón nhận.