Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Làm sao quyết định khai phá sản?




Luật Sư LyLy Nguyễn
Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: www.lylylaw.com.

Những người đang bị nợ ngập đầu, hàng ngày điện thoại chủ nợ kêu réo liên miên khiến tâm thần bất ổn làm cho mất ăn mất ngủ. Trước tình thế này phần đông ai cũng đều có ý nghĩ khai phá sản. Tuy nhiên quyết định việc này không phải dễ vì những khó khăn về vấn đề pháp lý và tâm lý. Bài này trình bày một số điều phải làm để nhận định nên hay không nên khai phá sản.
 1. Tham khảo Luật Khánh Tận Mới trước khi quyết định nộp đơn - trước hết có những vấn đề liên quan đến luật khánh tận mà người trong tình cảnh ngập nợ cần phải cân nhắc. Để có thể quyết định hành động cho đúng, trước hết người ấy cần tìm hiểu về Luật Khánh Tận. Khai phá sản có hai loại mà chúng tôi đã trình bày chi tiết trong các bài trước, xin được tóm tắt sau đây:
- Khai theo chương 7 của bộ Luật Khánh Tận Liên Bang Hoa Kỳ để xin “giải” nợ theo đó tài sản của người khai phá sản sẽ được đem phát mãi để lấy tiền trả nợ thế chấp càng nhiều càng tốt, phần nợ không thế chấp đều được xóa. Đồng thời đương sự cũng được giữ lại một phần tiền đủ để có phương tiện khởi sự làm lại đời mới. Theo chương 7, nếu một cá nhân nộp đơn tới tòa xin xóa nợ thì được gọi là “khánh tận cá nhân,” còn một cơ sở thương mại xin giải nợ thì được gọi là “khánh tận thương mại.” Một vụ khai phá sản theo chương 7 thường kéo dài từ ba tới sáu tháng.
- Khai theo chương số 13 cũng của bộ luật nói trên, nói theo danh từ luật pháp là phá sản theo “chương trình cho người có lương” (“wage earner's plan”) hoặc “phá sản kiểu tái tổ chức” (reorganization bankruptcy). Người khai được gộp tất cả nợ nần rồi trả dần trong thời hạn từ 3 tới 5 năm, tới hạn đó trả được bao nhiêu thì trả, sau đó phần còn lại sẽ được tòa cho xóa
2. Suy tính giải pháp thay thế nếu thích hợp với hoàn cảnh hiện tại - Sau khi tham khảo và hiểu tường tận về những gì sẽ xảy ra dù theo chương 7 hay chương 13 là phần nghĩ đến biện pháp khác có thể giải quyết thay thế giản dị hơn không cần phải phá sản. Nhiều khi hoàn cảnh của người nợ không đến nỗi quá bết bát như người ấy tưởng. Hoặc người ấy có thể rơi vào loại không có tài sản nào đáng sợ bị mất, hoặc có thể có nhiều cách tốt đẹp khác mà không để ý tới.
3. Phải hội đủ điều kiện khai phá sản - Trường hợp không được chấp thuận vì lý do sau:
- Không được xin xóa nợ theo chương 7 nếu lợi tức có đủ để trả theo chương 13.
- Không đủ điều kiện xin gom nợ và thanh toán dần theo chương 13 nếu tổng số nợ quá cao hay quá thấp.
4. Tìm hiểu loại nợ nào không thể xóa được - Một vài loại nợ không bao giờ dùng luật khánh tận để xin xóa bỏ, thí dụ như trách nhiệm phải chu cấp cho con cái hay người hôn phối cũ hay những nợ thế chấp, nợ tiền học, hay nợ thuế trong vòng ba năm.
5. Cân nhắc mối nợ nhà ở - Khai phá sản chương 7 không xóa được tiền nợ mua nhà, nhưng nợ này được rảnh rang trả dễ dàng hơn vì xóa nhiều món nợ khác. Những người đã trả lâu năm tích lũy khá vốn liếng đáng kể trong ngôi nhà của mình, nếu để xiết nhà phát mãi mà xóa nợ thì tiền đó kể như mất, tuy rằng còn tùy vào mức miễn trừ tại tiểu bang cư ngụ. Dĩ nhiên hoàn cảnh này khai theo chương 13 thì chắc chắn vẫn giữ lấy nhà đồng thời trả luôn được số tiền trả chậm những tháng trước đó.
6. Sợ mất xe và các của cải khác - Mức tài sản được giữ lại bao nhiêu tùy thuộc vào số tài sản thế chấp và còn tùy vào luật “miễn trừ” đang áp dụng tại tiểu bang cư ngụ. Nếu xin phá sản theo chương 7 thì phải nộp lại xe cho chủ nợ bất kể đã trả nợ xe bao nhiêu.
7. Xóa nợ mọi thẻ tín dụng - Mọi loại thẻ tín dụng như Visa, Mastercard, Discovery hay American Express, v.v... đều thuộc loại nợ không thế chấp do đó phá sản theo chương 7 sẽ cho giải nợ trọn vẹn cùng với mọi loại nợ không thế chấp khác. Tuy nhiên chủ nợ có thể kiện đòi lại nếu có bằng cớ người nợ có hành vi lừa đảo như khai gian dối trong đơn xin tín dụng hay có dụng ý tiêu xài quá lố.
8. Số phận tiền hưu bổng, hưu trí hoặc tiền tiết kiệm IRA - Theo luật lệ nhiều tiểu bang thì sẽ không mất mọi khoản tiền phúc lợi hưu trí hay hưu bổng cũng như tiền bảo hiểm nhân thọ.
9. Trách nhiệm và liên lụy của người ký phụ (co-signer) - Nếu người thân thuộc hay bạn bè vì tình cảm hay lòng tốt trước đó đã giúp đứng ra ký phụ mượn tiền mua nhà hay xe khi khai phá sản theo chương 7 thì chủ nợ sẽ chuyển hướng sang đòi nợ người này. Chương 13 Luật Khánh Tận có khả năng bảo vệ cho người ký phụ nhưng chương 7 thì không. Người phụ sẽ bị dính vào món nợ này và hoàn toàn phải chịu trách nhiệm thay cho người nợ chính cho đến khi trả đủ. Do đó trước khi có ý định phá sản nên thận trọng suy nghĩ về điểm này đừng để sau này mất đi tình cảm quí báu và ân hận vì đã làm hại người thân yêu đã tốt với mình mà bị liên lụy.
10. Cân nhắc đến ảnh hưởng tâm lý và xã hội đối với đời tư của mình - Khai phá sản có tác dụng bộc lộ đời tư vì người khai phải tiết lộ tất cả chi tiết về tình trạng tài chánh, tiền bạc của mình trước tòa án nên bất cứ ai cũng có thể biết mình khánh tận. Nếu khai theo chương 7 thì tài sản có thể bị lấy đi đem phát mãi. Còn theo chương 13 thì suốt thời gian từ ba tới 5 năm đương sự phải xin phép tòa án mỗi khi tiêu xài tiền bạc, không còn gì là tự do nữa.
Vụ phá sản hiển nhiên có ảnh hưởng sâu xa làm xáo trộn tâm lý của người nợ. Ý thức về thân phận, lý lịch, và giá trị của một người thường gắn liền với tình trạng tài chánh của người ấy. Do đó việc mất tiền mất của thường được suy nghiệm giống như bị mất đi lý lịch, danh giá và tín nhiệm. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà hình ảnh bề ngoài rất quan trọng cũng như lối sống được xác định qua quyền sở hữu. Tiền bạc không những được xem như một thứ quyền lực mạnh mẽ không những chỉ thuần túy về mặt kinh tế mà đồng thời còn trên nhiều quan hệ khác. Vì thế sau khi khai phá sản. thực tế xảy ra có thể nhận thấy được tác dụng mất mát quyền hạn giữa các cá nhân với nhau.
Hiểu biết những xúc cảm này có thể giúp gỡ rối thực tế rối rắm tiền bạc ra khỏi khả năng tàn phá hoặc hạn chế hậu quả do phản ứng tình cảm với vụ khai phá sản. Để có thể đạt được điều kiện đối phó một cách xây dựng đối với nghịch cảnh, người nợ có thể cố gắng đạt những mục tiêu sau:
- Đối phó với thực tại - Một khi người ấy đã nắm vững lại được tình trạng tài chánh của mình thì tiếp theo sau đó sẽ có ý thức khôi phục lại được danh giá và thân phận.
- Học hỏi được từ kinh nghiệm - Thi hành từng bước một để đạt lại an toàn tài chánh trong tương lai.
- Học hỏi thêm tài năng để giữ được tình trạng tài chánh vững bền trong thời kỳ kinh tế không vững chắc.
- Học hỏi cách thức tách rời giá trị bản thân ra khỏi giàu sang vật chất.
- Rút kinh nghiệm từ những cảm xúc mất mát, thua lỗ, phiền muộn, giận dữ, buồn khổ, xấu hổ cho trôi xuôi heo thời gian để tìm lại bình an tâm hồn.
- Buông thả cho quên mọi oán hờn và trách cứ.
- Tập tự thương lấy bản thân - Mặc dù nhiều người sau khi khai phá sản cảm thấy đời mình kể như đã hết, nhưng thật sự đây chỉ là dịp bắt đầu khởi sự làm lại cuộc đời mới mẻ sau này nhiều khi có thể khấm khá hơn.
Trong mọi trường hợp mất mát thua lỗ, mọi người hay có khuynh hướng cảm thấy như bị lung lay tận cội rễ cho nên thường nghĩ rằng nền tảng an toàn căn bản của bản thân bị sụp đổ. Họ thường hoài nghi với lòng tin vào chính mình, vào người khác, và nói chung vào toàn thế giới chung quanh. Tuy nhiên một số người đã tự khắc phục bản thân, vùi sâu đi được những xúc cảm sợ sệt một cách tự nhiên, đưa bất an trong thâm tâm đến mức tỉnh táo và thực sự làm giảm đi mối lo âu để khởi sự bắt đầu tự xây dựng lại đời mình.
Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.