tóm lược nội dung cuốn phim "Terror in Little Saigon" tố cáo Mặt Trận (The Front) đã sát hại 5 nhà báo Việt từ 1981-1990 vì họ viết bài tố cáo sự lường gạt đồng bào của Mặt Trận.
Tóm lược nội dung của cuốn phim “Terror in Little Sài Gòn” được chiếu trên đài PBS đêm Thứ Tư, 3-11-2015
K-9 với Mặt Trận:
Tối 3-11-2015 (9:00 giờ tối/Texas), chương trình truyền hình nổi tiếng Frontline và trang tin điều tra ProPublica đã cho phát hình, đồng thời đăng tải bài phóng sự điều tra “Khủng bố ở Little Saigon” do ký giả (điều tra viên) Mỹ A.C.Thompson thực hiện. Phóng sự điều tra công phu này đã vạch trần những hành động tội ác của tổ chức khủng bố Mặt Trận (MT), gồm cả một nhóm sát thủ với biệt danh “K-9”, tiến hành các vụ ám sát những nhà báo gốc Việt và hăm dọa những ai dám lên tiếng chỉ trích tổ chức này.
Trong giai đoạn 1981-1990, Mặt Trận, tiền thân của đảng Việt Tân ngày nay, đã giết chết 5 nhà báo gốc Việt tỵ nạn; đốt phá tòa soạn ngay trên đất Mỹ và đe dọa bất kỳ ai dám chỉ trích những vụ làm tiền và lên tiếng cáo giác MT tổ chức kháng chiến này mờ ám.
Nhóm sát thủ K-9: “Chuyên nghiệp, không bao giờ để bị bắt”
Trong giai đoạn 1981-1990, có 5 nhà báo người Mỹ gốc Việt bị giết và tố chức Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng (DCHQD) đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Một bản tóm tắt điều tra của FBI ngày 4-11-1991 cho biết DCHQD chính là Mặt Trận (đảng Việt Tân ngày nay), và có đề cập đến nhóm sát thủ K-9 do MT lập ra.
Bà Katherine Tang Wilcox, một cựu nhân viên FBI, cho biết các điều tra viên đã thu thập tin tức từ các cựu thành viên của MT và họ thừa nhận MT đã lập một đội sát thủ với biệt danh “K-9”. Nhưng bà Tang Wilcox không rõ ai đã ra lệnh ám sát các nhà báo.
Ông Trần Văn Bé Tư, một cựu thành viên của MT, trả lời phỏng vấn của nhà báo A.C.Thompson, thừa nhận MT đã lập ra K-9. Ông Bé Tư cũng được chiêu mộ vào K-9 nhưng ông từ chối. “K-9 rất chuyên nghiệp… và không bao giờ để bị bắt”, ông Bé Tư nói.
Sát thủ của MT (Việt Tân) sống ung dung ngoài vòng pháp luật.
Tất cả 5 nhà báo Mỹ gốc Việt bị giết đều có những bài viết chỉ trích những nhóm chống cộng lưu vong ở Mỹ và do K-9 lập danh sách “hành quyết” những nhà báo, gửi thư, gọi điện thoại dọa giết, gửi xác chó (chết) đến nhà các nhà báo để đe dọa, đốt cháy xe và văn phòng một tòa soạn báo Việt ngữ ở Mỹ, theo tài liệu FBI.
Nhưng mãi đến nay, chưa nghi phạm nào liên quan đến những vụ ám sát nhà báo gốc Việt bị bắt hay đem ra xét xử, và FBI đã đóng hồ sơ điều tra.
Gia đình những nhà báo bị sát hại lâu nay đã từ bỏ hy vọng công lý được thực thi. ProPublica và Frontline đã mở cuộc điều tra vào đầu năm 2014, thu thập hàng ngàn trang tài liệu mới giải mật của FBI, Cục Tình Báo Trung Uơng Mỹ (CIA), tiếp cận nhiều nhân chứng, cựu thành viên của Việt Tân (tiền thân là Mặt trận).
Vào ngày 24-8-1982, nhà báo Nguyễn Đạm Phong, Chủ nhiệm tờ Tự Do (Freedom), bị bắn chết tại nhà riêng ở thành phố Houston, tiểu bang Texas. Ông từng có những bài viết đả kích Mặt Trận (Việt Tân sau này). Sau khi giết ông Nguyễn, DCHQD để lại một danh sách nhà báo bị chúng “tuyên án tử hình” trên thi thể của ông.
Hai nhà báo của tờ Văn Nghệ Tiền Phong cũng bị bắn chết trong hai năm liên tiếp. Vào ngày 22-11-1989, nhà báo Đỗ Trọng Nhân cũng bị bắn chết khi đang ở trong xe hơi, tiểu bang Virginia. Đến ngày 22-9-1990, nhà báo Lê Triết và vợ cũng bị bắn chết tại nhà ở tiểu bang Virginia.
Mặt Trận không từ mọi thủ đoạn để bịt miệng nhà báo
Nguyễn Tú, con trai của ông Nguyễn Đạm Phong cho biết, Mặt Trận (MT) đã cố bịt miệng bố ông bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Tổ chức này được cho là đã cố hối lộ NB Đạm Phong nhưng bị ông từ chối. Sau đó bố ông nhận được hàng loạt cú điện thoại “từ những người đe dọa giết chết, nếu ông tiếp tục viết những loạt bài chỉ trích MT”, ông Tú nhớ lại.
NB Đạm Phong cũng đã gặp các thủ lãnh của MT trong một nhà hàng ở Houston trước khi bị giết. “Những thủ lãnh của MT cảnh báo bố tôi: ngừng viết hoặc bỏ mạng”, Tú nói.
Khi phóng viên A.C. Thompson hỏi ai đã bắn chết Đạm Phong, Bé Tư cười và nói: “Ông nói chuyện nghe giống FBI”.
Trong khi bà Tang-Wilcox thì nhận xét: “Những kẻ ám sát ký giả Đạm Phong biết rõ họ sẽ làm gì và không để lại bất kỳ dấu vết nào”.
Theo tài liệu của FBI, nhà báo Lê Triết (báo Tiền Phong) từng phải mang theo súng và thường xuyên đổi lộ trình đi từ nhà đến văn phòng làm việc để tránh bị ám sát. Ngay trước khi bị bắn chết, nhà báo Lê Triết đã gặp các thủ lãnh của Mặt Trận (MT) và những người này đề nghị ông Lê Triết chấm dứt những bài viết chỉ trích MT, nhưng ông không đồng ý.
Ông Nguyễn Xuân Nghiã, cựu thành viên MT, tiết lộ ông từng tham gia một cuộc họp của MT, bàn về âm mưu ám sát một nhà báo. Ông ta đã cố ngăn MT thực hiện âm mưu này, nhưng bất thành và giờ đây cảm thấy hối hận. “Đó là một chương đen tối nhất trong cuộc đời tôi”, ông Nghĩa nói.
FBI ngừng điều tra vì thiếu nhân viên biết tiếng Việt?
Vào ngày 21-7-1981, một tay súng đã bắn trúng ngực ông Dương Trọng Lâm (lúc bấy giờ mới 27 tuổi), một nhà báo khuynh tả của tờ Cái Đình Làng và là nhà bình luận phản đối chiến tranh Việt Nam, trong lúc ông Dương đang đi bộ trên đường phố San Francisco, CA. Ông Dương gắng gượng đi được vài bước thì ngã gục xuống chết. Tổ chức DCHQD đã gọi điện thoại đến các tờ báo Việt ngữ ở Mỹ tuyên bố nhận trách nhiệm. Hai nghi phạm đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Cảnh sát đã bắt được một nghi phạm, nhưng không đủ bằng chứng để truy tố.
Bà Nancy Dương, chị của nhà báo Dương Trọng Lâm, cho biết: “Trong suốt hai tháng liền tôi thường xuyên nhận được những cú điện thoại đe dọa cả ngày lẫn đêm”. Bà kể: “Họ dí súng vào đầu tôi và dọa giết cả gia đình tôi”. “Tôi đã nhiều lần cung cấp tin tức cho cảnh sát… Tôi muốn biết rõ chuyện gì đã xảy ra với em tôi. Nhưng có lẽ cảnh sát không mấy bận tâm”, bà Nacy nói trong căm phẫn.
Vào sáng ngày 9-8-1987, Phạm Văn Tập, chủ bút tuần báo Mai ở quận Cam, California, Mỹ), đang ngủ trong văn phòng ở thành phố Westminster thì văn phòng bốc cháy, ông Phạm chết vì ngạt khói. Cảnh sát xác định có kẻ đã tưới xăng đốt văn phòng. Ngày hôm sau, DCHQD gửi thư đến toà soạn tờ Người Việt Daily News, lên tiếng nhận trách nhiệm, cho biết đội sát thủ K-9 đã giết chết ông Phạm.
Sau vụ sát hại ông Phạm, FBI liệt DCHQD vào danh sách các nhóm khủng bố, tiến hành điều tra những vụ bạo lực chính trị trong cộng đồng người gốc Việt sau vụ ám sát này, nhưng sau đó tuyên bố ngưng cuộc điều tra.
Cảnh sát các địa phương cũng đã tiến hành điều tra những vụ nhà báo gốc Việt bị sát hại. Sở cảnh sát thành phố Houston từng tuyên bố đã bắt giữ một nghi phạm trong vụ sát hại nhà báo Đạm Phong năm 1982, nhưng không có đủ chứng cứ để truy tố. Cảnh sát và FBI cho biết họ không có những điều tra viên biết tiếng Việt, và nhiều nguồn tin trong cộng đồng Việt Nam không muốn cung cấp tin cho cảnh sát vì sợ bị trả thù, làm cản trở công tác điều tra.
MT cũng từng quảng bá công khai, kêu gọi quyên góp tiền bạc cho tổ chức này mua sắm vũ khí để lật đổ CSVN, nhưng cho đến nay MT (the Front) vẫn không hề bị chính phủ truy tố.