Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

hai bài nói về cuốn phim “Terror in Little Saigon ” nói về khủng bố của Mặt Trận Kháng chiến (THE FRONT)

Sau đây là hai bài nói về cuốn phim “Terror in Little  Saigon ” nói về khủng bố của Mặt Trận Kháng chiến (THE FRONT), cuốn phim này gây xôn xao dư luận cộng đồng VN hải ngoại
Một bài là
Người Việt ở Nam Cali nói gì về cuốn phim “Khủng Bố ở Little Saigon”? đăng trên trang Dân Luận 
Bài này không đồng ý với cuốn phim cho là không trung thực, phịa nhiều, phóng đại theo kiểu phim ảnh của Mỹ
Và bài
Khủng bố ở Little Saigon của Trần Duy  đăng trên trang mạng Báo động
Bài này mô tả cuốn phim một cách say mê, mô tả rất rõ bọn khủng bố đã giết những ai, những nhân chứng đã khai như thế nào…. vân vân và vân vân
Cũng một sự thật mà có nhiều ý kiến, lối nhìn  khác nhau y như hệt như trong cuốn phim Nhật Rashomon
Nhưng tôi (TĐ) thắc mắc một điều, ừ thì cho là bọn khủng bố ác ôn côn đồ, nếu đã biết rõ như vậy tại sao cảnh sát không truy tố họ ra tòa?  Chỉ nói khơi khơi như vậy thì ai chẳng nói được
Đây là một phim chiếu trong chương trình 60 minutes của đài  PBS.
Có người nói (từ trước 1975) phim ảnh Mỹ cho người ta một hình ảnh, một cái nhìn sai lạc về nước Mỹ, xem phim Mỹ chỉ thấy toàn là găng tơ gián điệp, án mạng, cao bồi… khiến cho khán giả tưởng như nước Mỹ toàn là khủng bố, án mạng
Tôi không rành về chuyện Mât Trận nhưng một điều mà cá nhân tôi nhận thấy là phim ảnh Mỹ phóng đại nhiều, sai sự thật nhất là về VN
Riêng về cuốn phim này thì theo nhận xét của tôi về phim Mỹ, phịa nhiều
Có lẽ đây là cuốn phim bôi nhọ cộng đồng VN hải ngoại hơn là phóng sự về một sự thật đã qua, truyền thông phim ảnh Mỹ chỉ nhắm thu hút người xem cho nhiều để kiếm tiền, nói chung tào lao thiên địa nhiều
Người Việt ở Nam Cali nói gì về cuốn phim “Khủng Bố ở Little Saigon”?
Ngọc Lan, thông tín viên RFA
Tối Thứ Ba, 3 Tháng 11, 2015, một cuốn phim mang tính phóng sự điều tra được thực hiện bởi Frontline và ProPublica có nhan đề “Terror in Little Saigon” (tạm dịch là Khủng Bố tại Little Saigon) được trình chiếu trên hệ thống truyền hình Public Broadcasting Service (gọi tắt là PBS) và mạng Internet.
Theo nhà làm phim, từ năm 1981 tới 1990, có 5 nhà báo người Mỹ gốc Việt ở các thành phố khác nhau tại Hoa Kỳ bị ám sát, nhiều người khác trong cộng đồng bị đe dọa và tấn công.
Các điều tra viên của Frontline và ProPublica tìm thấy điểm chung là các nhà báo bị sát hại này đều từng chỉ trích một tổ chức chống Cộng có tên là “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam” (National United Front for the Liberation of Vietnam) gọi tắt là “Mặt Trận” (The Front), mà đứng đầu là ông Hoàng Cơ Minh, người sáng lập Đảng Việt Tân.
Không trung thực
Tuy nhiên, sau khi được trình chiếu, “Khủng Bố ở Little Saigon” đưa đến nhiều cảm nghĩ khác nhau từ người phía xem.
Mời quý thính giả cùng nghe nhận xét của một số người Mỹ gốc Việt đang sống tại miền Nam California về cuốn phim này.
Trước hết là ý kiến của ông Ngô Văn Hiếu, hiện sống tại vùng Los Angles. Ông Hiếu từng là đồng sáng lập và giữ chức vụ Tổng Thư Ký của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam:
“Tôi thấy thường các cơ quan truyền thông Mỹ làm việc rất bài bản, cẩn thận. Riêng trong vụ này họ đã nêu đích danh một nhóm gọi là K9, là Mặt Trận “The Front” có liên quan đến một số vụ ám sát trong cộng đồng người Việt khắp nơi.
Tôi thì luôn luôn phản đối những hành động khủng bố, dù nhân danh bất cứ lý do gì, nhất là khủng bố những nhà báo hoặc gia đình của họ. Thêm nữa tôi thấy không có lửa thì làm sao có khói, cho nên tôi nghĩ Mặt Trận hay bất cứ tổ chức cá nhân nào có liên hệ đến những vụ khủng bố đã nêu ra thì nên phải bạch hóa, phải sửa sai cho rốt ráo.
Tôi nghĩ những người có liên hệ, như những người mà ký giả phỏng vấn thì họ nên nói cho rõ ràng hơn chứ không nên nói kiểu ỡm ờ, khỏa lấp, bởi như vậy thì tình hình càng tệ hại hơn chứ không giải quyết được gì. Tôi thấy những nhân chứng trong phim không nói được cái gì rõ ràng, trắng đen ra sao, thủ phạm thế nào.
Cô Trinity Hồng Thuận, một thành viên của Đảng Việt Tân hiện đang sống tại Quận Cam, tỏ ra khá bất bình sau khi xem xong cuốn phim này:
“Cuốn phim này khiến mình khá thất vọng về sự chuyên nghiệp cũng như đạo đức truyền thông của đài PBS. Đây là một phóng sự điều tra để tìm ra những hung thủ đã giết người trong thập niên 80 mà phóng sự này kết luận Mặt Trận là tổ chức đã làm chuyện đó.
Trong suốt phóng sự mình thấy họ đưa ra một số nhân chứng mà họ gọi là bằng chứng mới. Trong 5 người họ đưa ra thì có một người xác nhận nhưng đó là một người mà giấu tên mà cũng giấu mặt luôn, chỉ do người phóng viên kể lại là có người nói như vậy mà thôi. Còn 4 người có mặt trong phỏng vấn thì không ai xác nhận chuyện đó.
Thứ nhì là em không thấy có sự chuyên nghiệp, coi suốt cuốn phim có cảm giác như là họ đã có một kết luận rồi và họ chỉ đi tìm người ủng hộ kết luận đó thôi chứ không phải đi tìm thêm thông tin.
Một điều làm Hồng Thuận thấy đáng quan tâm hơn khi coi phim này là cách mà phóng sự miêu tả một hình ảnh rất tiêu cực về cộng đồng người Việt hải ngoại và tạo những ấn tưởng rất sai lạc đối với khán giả người Mỹ. Phóng sự lồng vô hình ảnh những người lính VNCH mặc quân phục trong những sinh hoạt cộng đồng như diễn hành Tết hay những buổi tiệc trong cộng đồng, thì cái cách mà họ edit, biên tập phim lồng vô một số những kỷ xảo trong phần quay cũng như những từ ngữ mà họ dùng để miêu tả những sinh hoạt này rất là xúc phạm đến cộng đồng mình, nhất là những chú bác trong QLVNCH. Họ miêu tả như đây là một cộng đồng rất hoang tưởng, bị chôn chân trong quá khứ và chỉ giữ khư khư khái niệm như làm sao khơi mào lại cuộc chiến Việt Nam…”
Ông Thiêm Võ, nick name là Cau Bay Thiêm trên Facebook, hiện sống tại San Diego, thì băn khoăn về việc “giở lại hồ sơ đó thì có lợi gì cho người Việt mình?”:
“Đối với Mỹ lâu lâu cũng có những người phóng viên đi mở lại những vụ án cũ, những vụ án không được giải quyết xong. Nhưng đối với trường hợp này thì xem phim xong tôi cũng không thấy ông phóng viên tìm được bằng chứng cụ thể để mà kết luận một cách rõ ràng là ai cả. Tôi nghĩ chỉ có FBI mới làm được điều đó.
Đọng lại trong lòng tôi là bây giờ mình giở lại hồ sơ đó thì nó có lợi gì cho người Việt mình? Tôi không chấp nhận những chuyện lường gạt giết người, nhưng trong mỗi thời kỳ chỉ có những người trong cuộc mới thông cảm được. Tôi không dám kết luận, vì khi mà cảnh sát có kết quả điều tra rõ ràng thì mình mới dám kết luận là ai có tội gì, làm gì. Nên tôi không dám kết luận ai có vai trò gì trong đó cả.”
Nhà báo Đỗ Dũng, Tổng Thư ký nhật báo Người Việt tại Little Saigon, lại chú trọng khía cạnh làm việc tắt trách của Cảnh Sát Điều Tra Liên Bang FBI sau khi xem cuốn phim này:
“Có nhiều vấn đề trong đây, mỗi người nhìn mỗi cách, nói không hết, nên tôi chọn ra một điều thôi mà ngay từ đầu phim Terror in Little Saigon nói về vấn đề FBI. Tại sao FBI không tiếp tục điều tra vụ này và họ bỏ luôn trong 30 năm qua. Điều này làm tôi liên tưởng đến cộng đồng Việt Nam chúng ta, tôi không nói đến chuyện ai lỗi ai không lỗi trong chuyện này, mà nó cho tôi thấy một chuyện là chúng ta ở đây, chúng ta là công dân Mỹ, chúng ta cũng đi làm đóng góp cho nước Mỹ nhưng tại sao chúng ta không được những quyền mà khi có những chuyện như vậy mà FBI lại không điều tra?
Trong phim tôi thấy phóng viên A.C Thompson khi gọi đến sở cảnh sát Houston cũng vậy. Những người từng làm trong vụ đó, giờ nghỉ rồi, gọi đến không ai trả lời hết, không ai muốn nói về chuyện đó. Nó cho thấy một cái gì đó cơ quan công quyền của Mỹ tắc trách khi điều tra những chuyện liên quan đến cộng đồng thiểu số. Tôi thấy có những chuyện người bản xứ bị gì thì người ta điều tra tới nơi tới chốn, trong khi người Việt bị cũng chết người mà người ta lại không điều tra, như trong vụ này là 5 nhà báo Việt Nam bị ám sát mà không ai điều tra cả. Coi phim họ nói là họ có nhiều hồ sơ FBI mà FBI không tiếp tục điều tra thì đó là điều tôi thấy không tốt cho cộng đồng Việt Nam. Chuyện qua rồi thì giờ chúng ta suy nghĩ đến tương lai, còn những chuyện khác tôi không có ý kiến.”
Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc từ hơn 40 năm trước, nhưng như ai đó đã nói, cuộc chiến trong lòng những người dân gốc Việt chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Và dường như “Terror in Little Saigon” đang khuấy lên một lần nữa cuộc sống vốn không bình lặng nơi đây.
………………………………………………………………………………………………….
Khủng bố ở Little Saigon (Phúc Duy)
Trong giai đoạn 1981-1990, Việt Tân đã giết chết 5 nhà báo gốc Việt, đốt phá tòa soạn ngay trên đất Mỹ và đe dọa bất kỳ ai dám thách thức mưu đồ tái khởi động chiến tranh Việt Nam của họ. Ngày 3.11.2015 (giờ Mỹ), chương trình truyền hình nổi tiếng Frontline và trang tin điều tra ProPublica cho phát sóng và đăng tải bài phóng sự điều tra Khủng bố ở Little Saigon do nhà báo điều tra Mỹ A.C.Thompson thực hiện.
Phóng sự điều tra công phu này đã vạch trần những hành động tội ác của tổ chức khủng bố Việt Tân, tiền thân là VOECRN (Tổ chức Việt Nam diệt cộng và phục hồi quốc gia VN, hay Việt Nam diệt cộng hưng quốc đảng), sau đổi tên là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” (gọi tắt là Mặt trận), đã lập ra một nhóm sát thủ với biệt danh “K-9”, tiến hành các vụ ám sát những nhà báo gốc Việt và hăm dọa những ai tại Mỹ dám lên tiếng chỉ trích tổ chức này.
Đội sát thủ K-9: “chuyên nghiệp, không bao giờ để bị bắt”
Trong giai đoạn 1981-1990, có 5 nhà báo người Mỹ gốc Việt bị giết và VOECRN đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Một bản tóm tắt điều tra của FBI ngày 4.11.1991 cho biết VOECRN chính là Mặt trận (tiền thân của tổ chức phản động Việt Tân) và có đề cập đến nhóm sát thủ K-9 do Việt Tân lập ra.
Bà Katherine Tang-Wilcox, một cựu nhân viên FBI, cho biết các điều tra viên đã thu thập thông tin từ những cựu thành viên của Việt Tân và họ thừa nhận Việt Tân đã lập một đội sát thủ với biệt danh “K-9”. Nhưng bà Tang-Wilcox không rõ ai đã ra lệnh ám sát các nhà báo.
Nguyen Van Be Tu, một cựu thành viên của Việt Tân, trả lời phỏng vấn của nhà báo điều tra Mỹ A.C.Thompson, thừa nhận Việt Tân đã lập ra K-9. Ông ta cũng được chiêu mộ vào K-9 nhưng từ chối. “K-9 rất chuyên nghiệp… và không bao giờ để bị bắt”, Be Tu nói.
 
Sát thủ của THE FRONT sống ung dung ngoài vòng pháp luật
Tất cả 5 nhà báo Mỹ gốc Việt bị giết đều có những bài viết chỉ trích những nhóm chống cộng lưu vong ở Mỹ và K-9 lập danh sách “hành quyết” những nhà báo, gửi thư, gọi điện thoại dọa giết, gửi xác chó đến nhà các nhà báo để đe dọa, đốt cháy xe và văn phòng một tòa soạn báo Việt ngữ ở Mỹ, theo tài liệu FBI.
Nhưng mãi đến nay, chưa nghi phạm nào liên quan đến những vụ ám sát nhà báo gốc Việt bị bắt hay đem ra xét xử, và FBI đã đóng hồ sơ điều tra.
Gia đình những nhà báo bị sát hại lâu nay đã từ bỏ hy vọng công lý được thực thi. Và ProPublica và Frontline mở cuộc điều tra vào đầu năm 2014, thu thập hàng ngàn trang tài liệu mới giải mật của FBI, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), tiếp cận nhiều nhân chứng, cựu thành viên của Việt Tân (tiền thân là Mặt trận).
Vào ngày 24.8.1982, nhà báo Nguyen Dam Phong, chủ nhiệm tờ Tự Do (Freedom), bị bắn chết tại nhà riêng ở thành phố Houston, bang Texas. Ông từng có những bài viết đả kích Mặt trận (tức Việt Tân sau này). Sau khi giết ông Nguyen, VOECRN để lại một danh sách nhà báo bị chúng “tuyên án tử hình” trên thi thể của ông.
Hai nhà báo của tờ Văn Nghệ Tiền Phong cũng bị bắn chết trong hai năm liên tiếp. Vào ngày 22.11.1989, nhà báo Do Trong Nhan bị bắn chết khi đang ở trong xe hơi ở bang Virginia. Đến ngày 22.9.1990, nhà báo Le Triet và vợ bị bắn chết tại nhà ở bang Virginia.
Việt Tân không từ mọi thủ đoạn để bịt miệng nhà báo
Nguyen Tu, con trai của ông Nguyen Dam Phong, cho biết Việt Tân đã cố bịt miệng cha ông bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Tổ chức này được cho đã cố hối lộ Nguyen Dam Phong nhưng bị ông từ chối, theo Tu. Sau đó cha ông nhận được hàng loạt cuộc điện thoại “từ những người đe dọa giết chết nếu ông tiếp tục viết những bài báo chỉ trích Việt Tân”, ông Tu nhớ lại.
Nguyen Dam Phong cũng đã gặp các thủ lĩnh của Việt Tân trong một nhà hàng ở Houston trước khi bị giết. “Những thủ lĩnh của Việt Tân cảnh báo cha tôi: ngừng viết hoặc bỏ mạng”, Tu nói.
Khi phóng viên A.C. Thompson hỏi ai đã bắn chết Nguyen Dam Phong, Be Tu cười và nói: “Ông nói chuyện nghe giống FBI”. Trong khi bà Tang-Wilcox thì nhận xét: “Những kẻ ám sát Nguyen Dam Phong biết rõ họ sẽ làm gì và không để lại bất kỳ dấu vết nào”.
Theo tài liệu của FBI, nhà báo Le Triet từng phải mang theo súng và thường xuyên đổi lộ trình đi từ nhà đến cơ quan để tránh bị ám sát. Ngay trước khi bị bắn chết, nhà báo Le Triet đã gặp các thủ lĩnh của Việt Tân và những người này đề nghị ông Le Triet chấm dứt những bài viết chỉ trích Việt Tân, nhưng ông không đồng ý.
Nguyen Xuan Nghia, cựu thành viên Việt Tân, tiết lộ ông ta từng tham gia một cuộc họp của Việt Tân, bàn về âm mưu ám sát một nhà báo. Ông ta đã cố ngăn Việt Tân thực hiện âm mưu này, nhưng bất thành và giờ đây cảm thấy hối hận. “Đó là một chương đen tối nhất trong cuộc đời tôi”, ông Nguyen Xuan Nghia nói.
FBI ngừng điều tra vì thiếu… điều tra viên biết tiếng Việt?
Vào ngày 21.7.1981, một tay súng đã bắn trúng ngực ông Duong Trong Lam (lúc bấy giờ mới 27 tuổi), một nhà báo khuynh tả của tờ Cái Đình Làng và là nhà bình luận phản đối chiến tranh Việt Nam, trong lúc ông Duong đang đi bộ trên đường phố San Francisco, Mỹ. Ông Dương gắng gượng đi được vài mét và gục xuống chết. VOECRN đã gọi điện thoại đến các tờ báo Việt ngữ ở Mỹ tuyên bố nhận trách nhiệm.
Hai nghi phạm đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Cảnh sát đã bắt được một nghi phạm, nhưng không có đủ bằng chứng để truy tố.
Di ảnh nhà báo Duong Trong Lam tại nhà của chị ông – Ảnh chụp màn hình Youtube
Bà Nancy Duong, chị của cố nhà báo Duong Trong Lam, cho biết: “Trong suốt hai tháng liền tôi thường xuyên nhận được những cú điện thoại đe dọa cả ngày lẫn đêm”. Bà kể: “Họ dí súng vào đầu tôi và dọa giết cả gia đình tôi”.
“Tôi đã nhiều lần đến cung cấp thông tin cho cảnh sát… Tôi muốn biết rõ chuyện gì đã xảy ra với em tôi. Nhưng có lẽ cảnh sát không mấy bận tâm”, bà Nacy bức xúc nói.
Bà Nancy Duong, chị của nhà báo Duong Trong Lam trong cuộc phỏng vấn – Ảnh chụp màn hình Youtube
Vào sáng ngày 9.8.1987, Pham Van Tap, chủ bút tuần báo Mai ở quận Cam (bang California, Mỹ), đang ngủ trong văn phòng ở thành phố Westminster thì văn phòng bốc cháy, ông Pham chết vì ngạt khói. Cảnh sát xác định có kẻ đã tưới xăng đốt văn phòng. Ngày hôm sau, VOECRN gửi thư đến toà soạn tờ Người Việt Daily News, lên tiếng nhận trách nhiệm, cho biết đội sát thủ K-9 đã giết chết ông Pham Van Tap.
Sau vụ sát hại ông Pham Van Tap, FBI liệt VOECRN vào danh sách các nhóm khủng bố. FBI tiến hành điều tra những vụ bạo lực chính trị trong cộng đồng người gốc Việt sau vụ ám sát này, nhưng sau đó tuyên bố ngừng cuộc điều tra.
Cảnh sát các địa phương cũng đã tiến hành điều tra những vụ nhà báo gốc Việt bị sát hại. Sở cảnh sát thành phố Houston từng tuyên bố đã bắt giữ một nghi phạm trong vụ sát hại nhà báo Nguyen Dam Phong năm 1982, nhưng không có đủ chứng cứ để truy tố. Cảnh sát và FBI cho biết họ không có những điều tra viên biết tiếng Việt, và nhiều nguồn tin trong cộng đồng Việt Nam không muốn cung cấp thông tin cho cảnh sát vì sợ bị thủ tiêu, làm cản trở công tác điều tra.
Thậm chí cựu sĩ quan cảnh sát Doug Zwemke của Sở cảnh sát San Jose cho biết những người cung cấp thông tin cho ông để điều tra những vụ giết chết nhà báo đều bị ám sát, và cảnh sát không thể tìm ra hung thủ.
Việt Tân cũng từng quảng bá công khai kêu gọi quyên góp tiền cho tổ chức này mua sắm vũ khí để lật đổ chính quyền Việt Nam (?), vi phạm luật pháp Mỹ. Nhưng mãi đến nay Việt Tân vẫn không hề bị chính phủ Mỹ xét xử, theo Frontline.
Phúc Duy