Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Giải pháp thay thế không cần phá sản




Luật Sư LyLy Nguyễn
Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. 

Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: www.lylylaw.com.

Như đã đề cập trong bài trước, những vị đang gặp khó khăn vì ngập nợ khởi đầu nên tìm hiểu về luật khánh tận để dễ quyết định đường lối giải quyết. Thật ra không hẳn chỉ có khai khánh tận là giải pháp duy nhất vì còn có những biện pháp thay thế giản dị hơn có thể gỡ rối hoàn cảnh. Nhiều khi tình thế tài chánh của người nợ thực sự không đến nỗi quá bết bát như người ấy tưởng. Bài này xin đan cử một vài cách thay thế thông dụng trong việc “gỡ nợ.”

Đôi khi thật đáng ngạc nhiên đối với một số người có nếp sống giản dị là không cần hành động gì mà cũng không bị hậu quả nào cả cho dù đang nợ ngập đầu. Giả sử một vị có lợi tức không đáng là bao và cũng không có lấy một món của cải nào đáng giá, đồng thời người ấy cũng không màng sống một tương lai xa hoa thì sẽ được gán là thành phần “không sợ kiện” (judgement proof). Điều này có nghĩa cho dù có bị ai kiện tụng đưa ra tòa thì nguyên đơn cũng chẳng lấy được gì vì lẽ giản dị là bị cáo không có món đồ nào để xiết đi một cách hợp pháp. Điều này có nghĩa cho dù có bị ai kiện tụng đưa ra tòa thì nguyên đơn cũng chẳng lấy được gì vì lẽ giản dị là bị cáo không có món đồ nào để xiết đi một cách hợp pháp.
Theo luật pháp Hoa Kỳ hiện hành, một cá nhân không bao giờ bị ngồi tù vì thiếu nợ không trả ngoại trừ một vài vụ khác có dính dáng đến tội danh hình sự, thí dụ như phản đối chính phủ bằng cách không chịu đóng thuế hoặc trái lệnh tòa bỏ phế không cấp dưỡng cho con cái. Hơn nữa chủ nợ không bao giờ có quyền tước đoạt những vật dụng cá nhân cần thiết chính yếu như quần áo thường, bàn ghế tủ giường, đồ ăn nước uống, hay các phúc lợi do an sinh xã hội chu cấp, tiền thất nghiệp, hay các khoản tiền trợ cấp khác của chính phủ. Do đó những vị nào tự lượng rằng mình có lợi tức hay của cải mà chủ nợ không với tới được thì đâu cần khai phá sản làm gì. Giới chủ nợ trước tình cảnh này có lẽ cũng không dại đưa con nợ ra tòa cho tốn kém án phí và tiền luật sư một khi biết chắc chẳng lấy được gì. Thay vào đó khi khai thuế họ xuất xổ số tiền nợ không thâu được (write-off for a bad debt) để được giảm thuế đền bù lại coi như buôn bán thua lỗ. Qua bảy năm sau món nợ sẽ được chính thức liệt vào loại không thâu được (uncollectible) rồi vĩnh viễn xóa sổ. Về phần người nợ sau bảy năm món nợ không trả cũng không còn ghi trong hồ sơ tín dụng cá nhân của đương sự.
Những vị đang bị chủ nợ hay kẻ “đòi nợ thuê” (debt collector) quấy rầy thì cũng không hẳn cần đến phá sản để ngăn những hành động đòi nợ có tính cách lạm dụng sách nhiễu. Người nợ vẫn vừa giữ ý định khai phá sản nhưng đồng thời cũng có thể nương vào sự che chở của “Điều luật hành sử đòi nợ công bằng” (Fair Debt Collection Practices Act gọi tắt là FDCPA) của liên bang cùng các luật tương tự của tiểu bang ngừa không cho kẻ đòi nợ có những hành vi “ma giáo” vi phạm luật pháp.
Theo tinh thần của luật FDCPA có mục đích chủ yếu khống chế giới “đòi nợ thuê” là kẻ không phải là chủ nợ nhưng được trả tiền để đi đòi nợ. Dĩ nhiên trong giới này cũng có nhiều nhân viên đứng đắn nhưng một số khác không ngại ngần dùng mọi mánh khóe hết hăm dọa rồi dụ dỗ con nợ, miễn làm sao thâu được càng nhiều càng tốt vì họ được trả công tính theo phần trăm số tiền thực sự thâu được. Trường hợp bị quấy nhiễu thí dụ như kẻ đòi nợ tiếp xúc với đệ tam nhân ngoại trừ luật sư, cơ sở báo cáo hồ sơ tín dụng hay chính chủ nợ để sưu tầm hạn chế tin tức về tông tích của người nợ. Thêm vào đó luật cũng không cho phép gọi điện thoại liên tiếp vào những giờ giấc không có lý có tính cách quấy nhiễu khủng bố tinh thần con nợ. Những hành động phạm luật khác kể cả việc gọi vào nơi làm việc có ý định tiếp xúc với chủ nhân hay cấp trên của nạn nhân, hăm dọa hay sử dụng bạo lực, gọi điện thoại tới nhưng không xưng danh cho biết là ai, v.v... Cách đối phó giản dị nhất khi bị quấy nhiễu như thí dụ kể trên là yêu cầu những kẻ này hãy ngưng ngay hành động phi pháp. Điều Luật FDCPA qui định rõ là người nợ có quyền bảo kẻ “đòi nợ thuê” chấm dứt không được tìm cách tiếp xúc hay liên lạc với mình, có nghĩa là cá nhân hoặc cơ sở này bị cấm không được tiếp xúc nữa ngoại trừ chỉ được phép hoặc báo cho biết là mọi hoạt động đòi nợ đã chấm dứt hoặc báo cho biết là chủ nợ sẽ kiện. Nếu họ không tuân hành luật mà vẫn tiếp tục vi phạm thì nạn nhân cần ghi ra giấy những vi phạm đó và làm đơn khiếu nại đến “Ủy Ban Thương Mại Liên Bang” (Federal Trade Commission gọi tắt là FTC) - là thẩm quyền giám sát các cơ sở “đòi nợ thuê” - hoặc đệ đơn kiện ra tòa nếu vi phạm trầm trọng hơn.
Một giải pháp gỡ rối hữu hiệu khác là điều đình với chủ nợ. Những ai có lợi tức đều hàng tháng hoặc có tài sản muốn bán đi để trả nợ thì nên thương lượng thẳng với chủ nợ hơn là phá sản. Việc điều đình có thể đưa đến kết quả tốt không ngờ, hoặc họ dễ dãi cho kéo dài thêm thời gian để giúp hồi phục trở lại tình trạng bình thường hoặc nhiều khi họ sốt sắng chấp thuận cho trả dứt với một khoản tiền ít hơn số nợ thực sự thay vì sợ bị mất trắng nếu người nợ khai khánh tận.
Nếu thấy tự điều đình lấy không xong hoặc sợ khó khăn thì nên tìm trợ giúp bên ngoài hầu nghĩ ra chương trình trả nợ mới. Nhiều người ngại mình không có tài thương thảo với chủ nợ hay với giới đòi nợ chuyên nghiệp vì trong thâm tâm họ luôn luôn nghĩ rằng chủ nợ hay kẻ đòi nợ chắc sẽ khăng khăng đòi cho bằng được chứ chẳng bao giờ nới tay. Họ thường có cảm nghĩ giới chủ nợ hay đòi nợ đều là tay cứng đầu cứng cổ hay rõ ràng rằng thủ tục đòi sẽ gây khó khăn phi lý cho nạn nhân.
Vị nào không muốn tự đứng ra điều đình lấy một mình thì nên tìm đến một “cơ sở cố vấn tín dụng và gom nợ bất vụ lợi” (nonprofit credit counceling and debt consolidation agency) của tư nhân. Những tổ chức này đứng trung gian thay đương sự dàn xếp với mọi chủ nợ liên hệ cho gom nợ thành một mối. Hàng tháng người nợ sẽ nộp cho cơ sở này một số tiền dĩ nhiên ít hơn tổng số tiền trả thường lệ và tiếp tục trả cho đến khi dứt hẳn mọi món nợ, nhờ vậy sẽ cải thiện được tình trạng tài chánh cá nhân. Ai muốn tìm các cơ sở này tại địa phương mình ở thì có thể vào trang lưới của cơ quan United States Trustee tại địa chỉ www.usdoj.gov/ust và bấm vào mục “Credit Counseling and Debtor Education”. Mục này sẽ hướng dẫn đến danh mục liệt kê theo từng tiểu bang địa điểm của các cơ sở tư nhân được chính phủ chuẩn y cung cấp dịch vụ cố vấn cho người nợ trước khi xin phá sản.
Như vậy so sánh việc sử dụng dịch vụ gom nợ (debt consolidation) và khai phá sản (bankruptcy filing) theo chương 13 có khác biệt ra sao? Nhìn sơ qua chúng ta thấy cả hai hơi giống nhau ở điểm cùng giúp cho đương sự gom tất cả nợ nần thành một mối và dàn xếp cho trả hàng tháng với số tiền theo khả năng dĩ nhiên ít hơn thường lệ. Tham gia chương trình gom nợ của cơ sở tư nhân có lợi điểm là không bị ghi phá sản làm hỏng hồ sơ tín dụng cá nhân của người nợ.
Tuy nhiên cơ sở gom nợ của tư nhân không trực thuộc tòa án cho nên rất bất lợi vì thiếu quyền lực pháp lý với chủ nợ nếu đem so với việc khai phá sản theo chương 13 tại tòa khánh tận. Giả dụ đương sự sau đó lỡ chậm trả một tháng thì vẫn được chương 13 bảo vệ nên chủ nợ không được phép ra tay đòi nợ ngay. Ngược lại cơ sở gom nợ tư nhân không có khả năng hay quyền hạn nào để ngăn cản phản ứng của chủ nợ hay kẻ đòi nợ. Hơn nữa bất cứ lúc nào chủ nợ không thích vẫn có thể rút ra khỏi chương trình. Ngoài ra chương trình gom nợ tư nhân đặt trên căn bản phải hoàn toàn trả dứt, còn phá sản theo chương 13 người nợ thông thường chỉ phải trả một tỉ lệ nào đó trên tổng số nợ, đến lúc chương trình mãn hạn thì phần nợ không thế chấp còn lại đều được xí xóa.
Luật sư của giới tiêu thụ cũng thường quan tâm đến vấn đề lương tâm của các dịch vụ gom nợ vì lẽ các cơ sở tư nhân này được giới chủ nợ trả công để truy thu tiền nợ cho họ. Do đó có dư luận chỉ trích rằng các cơ sở tư nhân này bị mâu thuẫn quyền lợi nghề nghiệp: Một mặt phải ra sức thâu tiền về cho những người chi ra cho mình thì làm sao có thể vô tư giúp đỡ người nợ một cách công bằng được.
Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.