Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Hoàng Cơ Định: A.C. Thompson thiếu công tâm


Hà Giang/Người Việt

LTS
 - Trong cuốn phim “Terror in Little Saigon,” phóng viên A.C. Thompson ghi lại những điểm chính trong hành trình ông và nhóm phóng viên của Frontline và ProPublica tìm hiểu việc hàng loạt các nhà báo gốc Việt bị giết hại trong thập niên 1980, mà cho đến nay không ai tìm ra thủ phạm, và cơ quan FBI, sau 15 năm điều tra, đã phải đóng hồ sơ, vì không tìm ra đủ chứng cớ khởi tố.


Ông Hoàng Cơ Định. (Hình: Hoàng Cơ Định cung cấp)

Một phần lớn thời gian nhóm làm phim dành cho việc tìm hiểu hoạt động của tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (Mặt Trận) vì đây là tổ chức bị tình nghi liên quan đến cái chết của những nhà báo này.
Ngoài phim “Terror in Little Saigon,” kết quả cuộc điều tra kéo dài hai năm của nhóm A.C. Thompson còn được đúc kết trong tài liệu dài 72 trang, có tên “Terror in Little Saigon, an Old War comes to a New Country,” công bố trên trang mạng Frontline vài giờ trước khi phim được trình chiếu tối 3 tháng 11.
Trong cả phim lẫn tài liệu, A.C. Thompson nhắc nhiều đến Nhóm K9 và một tổ chức có tên là Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation - VOECRN (Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng), tổ chức mà theo tài liệu của FBI, sau cái chết của các nhà báo, đã gửi ra thông cáo báo chí nhận chính mình là tổ chức đã giết họ.
Vẫn theo tường trình của A.C. Thompson, các cựu chuyên viên điều tra của FBI đều đặt giả thuyết rằng K9 là tên một đội sát thủ của Mặt Trận, và VOECRN chỉ là một tên khác của Mặt Trận, nhưng không có đủ chứng cớ để chứng minh điều đó.
Kết thúc cuốn phim, A.C. Thompson, dựa theo các tài liệu cùng các cuộc phỏng vấn với nhiều cựu thành viên của Mặt Trận, như kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa (xem bài phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Nghĩa), và hai ông Trần Văn Bé Tư, Johnny Nguyễn Văn Xung, đưa ra một kết luận mà chính FBI cũng không khẳng định: K9 là tên đội sát thủ của Mặt Trận, có trách nhiệm thủ tiêu những nhà báo viết bài bất lợi cho Mặt Trận, và VOECRN chỉ là một tên khác của Mặt Trận. Hai nhà báo mà A.C. Thompson xác quyết Mặt Trận đã ám sát là Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút tờ Cái Đình Làng, bị bắn chết Tháng Bảy, 1981, tại San Francisco, và Nguyễn Đạm Phong, 45 tuổi, chủ nhiệm tờ Tự Do, bị ám sát Tháng Tám, 1982, tại Houston.
Phóng viên A.C. Thompson cũng nhắc nhiều đến việc đã cố gắng liên lạc với ông Hoàng Cơ Định (em ruột của ông Hoàng Cơ Minh) một thành viên lãnh đạo của Mặt Trận, để xin phỏng vấn, nhưng không thể liên lạc được với ông.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Cơ Định, từng là Vụ Trưởng Tài Chánh của Mặt Trận trong thập niên 1980. Dưới đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn.
***

Hà Giang (NV): Phim Terror in Little Saigon nói về hành trình đi tìm hiểu việc loạt nhà báo gốc Việt bị giết hại, mà cho đến giờ không ai tìm ra thủ phạm, của phóng viên A.C. Thompson. Phim đưa ra kết luận là tổ chức khủng bố của mặt trận, có tên K9, đã giết hai ký giả Dương Trọng Lâm,vào Tháng Bảy, 1981 và ông Nguyễn Đạm Phong, vào Tháng Tám năm 1982; lúc đó, ông giữ trách nhiệm gì trong Mặt Trận?
Hoàng Cơ Định: Vào Tháng Bảy, 1981, khi ông Dương Trọng Lâm bị sát hại, tôi chưa tham gia Mặt Trận. Mấy vị sáng lập Mặt Trận lúc đó còn đang bận rộn vận động tại Đông Nam Á để xây dựng căn cứ Kháng Chiến. Có thể nói giai đoạn từ 1980 đến cuối 1981 là giai đoạn Mặt Trận đang được hình thành. Mọi người chỉ biết tới Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam sau lễ công bố cương lãnh vào ngày 8 Tháng Ba, 1982 và tôi tham gia Mặt Trận sau đó.
Vào Tháng Tám, 1982 khi ông Đạm Phong bị ám sát, tôi phụ trách về Tài Chánh cho Mặt Trận.
NV: Xin ông cho biết sơ về cơ cấu tổ chức và hoàn cảnh sinh hoạt của Mặt Trận trong thời gian này trong chiến khu cũng như bên ngoài chiến khu?
Hoàng Cơ Định: Trong thời gian đầu Mặt Trận đột phát như một phong trào quần chúng, trong chiến khu công việc tổ chức điều động ra sao, tôi không rõ chi tiết.
Ngoài chiến khu, bộ phận hải ngoại được đặt dưới sự chỉ huy của ông Tổng Vụ Trưởng là Cố Đại Tá Phạm Văn Liễu. Nỗ lực chính của chúng tôi lúc bấy giờ là làm sao huy động tài chánh để nuôi dưỡng các hoạt động của anh em kháng chiến quân, học tập đường lối đấu tranh của Mặt Trận nhằm tự lực tự cường, chủ trương huy động sự tham gia của toàn dân làm chính. Huy động tinh thần tranh đấu giải phóng dân tộc trong đồng bào, và chấn chỉnh hàng ngũ của đoàn viên Mặt Trận.
NV: Nhiều người cả quyết K9 là một phần của Mặt Trận, trong đầu thập niên 1980s ông có bao giờ nghe nói đến tên của tổ chức này?
Hoàng Cơ Định: K9 chưa bao giờ là một bộ phận của Mặt Trận, đúng hơn đó chỉ là một danh xưng gọi đùa của ông Tổng Vụ Trưởng Phạm Văn Liễu dành cho mấy vị lão thành không tiện đặt dưới cơ cấu lúc đó của Mặt Trận, chia ra từ K1 tới K8.
Cơ cấu của Tổng Vụ Hải Ngoại Mặt Trận lúc đó được chia làm Chi Bộ, Thành Bộ, Miền và Khu Bộ, viết tắt là C, T, M và K. Các đoàn viên Mặt Trận, tùy theo vùng địa dư cư ngụ được chia làm 8 Khu Bộ gồm có:
Hoa Kỳ là K1, Canada là K2, Tây Âu là K3, Á Châu là K4, Úc Châu là K5, Phi Châu là K6, Đông Âu là K7 và Nam Mỹ là K8.
Có một số vị lão thành phải do đích thân ông Tổng Vụ Trưởng liên lạc, liên lạc thôi chứ cũng chẳng có chỉ huy gì, tôi còn nhớ tên hai vị là ông Cao Thế Dung và ông Đào Vũ Anh Hùng. Đại Tá Liễu gọi đùa là mấy vị này thuộc K9.
NV: Theo ông thì tại sao cứ có những tin đồn K9 của Mặt Trận là một đơn vị khủng bố, và chính đơn vị này thủ tiêu các nhà báo gốc Việt có những bài viết tiêu cực về Mặt Trận?
Hoàng Cơ Định: Thời đó những người ở trong Mặt Trận biết về danh từ K9 không nhiều. Tôi không rõ nó đã lọt ra bên ngoài từ ai và vào lúc nào. Qua bài phóng sự truyền hình mới đây của ký giả A.C. Thompson, tôi không thấy có bằng chứng gì là cơ quan FBI đã cáo buộc cho thủ phạm giết người có tên là K9. Tôi chỉ thấy những khẳng định vũ đoán này từ nữ điều tra viên (đã hồi hưu) Tang-Wilcox và rất nhiều lần từ miệng ký giả A.C. Thompson. Còn về các tin đồn hay suy diễn của một số người thì họ cần phải có bằng cớ vững chắc, nếu không thì chỉ là hành động a dua vô trách nhiệm.
NV: Trong thời gian FBI điều tra cái chết bí ẩn của những nhà báo gốc Việt như Dương Trọng Lâm, Nguyễn Đạm Phong, Phạm Văn Tập (Hoài Điệp Tử), Lê Triết (Tú Rua), ông có bị điều tra không?
Hoàng Cơ Định: Tôi chưa bao giờ được nhân viên công lực hỏi gì về các vụ này, nhưng tôi không nhớ rõ là từ bao giờ, gần như sau bất cứ một vụ án mạng nào, đôi khi cũng chẳng phải là án mạng, điều tra viên đều tới nhà tôi hỏi thăm tin tức. Ban đầu tôi nghĩ là vì mình quen biết nhiều nên cảnh sát cần mình giúp đỡ nên cũng sẵn sàng làm bổn phận công dân. Sau một thời gian tôi cảm thấy có sự lạm dụng nên lần đó tôi đã mời 2 vị điều tra viên vui lòng ngồi đợi, tôi sẽ mời luật sư tới và nói chuyện với họ với sự có mặt của luật sư. Họ đã vui vẻ cáo từ và tôi dặn: lần sau nếu có tới để hỏi chuyện thì xin vui lòng hẹn trước để tôi mời sẵn luật sư, đỡ mất thì giờ cho cả hai bên.
Từ đó tới nay, không còn vị điều tra viên nào tới nhà tôi nữa.
NV: Hai ông Trần Văn Bé Tư, và Johnny Nguyễn (Nguyễn Văn Xung) là những người giữ trách nhiệm gì trong Mặt Trận trong thời gian các vụ án mạng xảy ra, và hai người này có phải là những người có thẩm quyền và hiểu biết để nói về việc làm của tổ chức K9 không?
Hoàng Cơ Định: Ông Trần Văn Bé Tư đã từng là đoàn viên Mặt Trận, ông ấy là người chịu khó nhưng phải tội tính tình cực đoan, hay cãi, không phù hợp sinh hoạt trong một đoàn thể nên đã tự động rời Mặt Trận sau khi tham gia một thời gian ngắn. Về ông Johnny Nguyễn thì tôi không nhớ có phải là đoàn viên Mặt Trận hay không, nhưng chắc chắn không phải là một cấp chỉ huy hay giữ một trách vụ gì trong Mặt Trận.
Về chuyện K9, xin xác nhận thêm một lần nữa: Đó không phải là một bộ phận của Mặt Trận. Chỉ những thành phần đánh phá Mặt Trận vẽ cho thành chuyện. Anh em trong Mặt Trận, và ngay cả các thân hữu, chẳng ai có gì để nói về nó cả.
NV: Theo tài liệu của FBI được phim Terror of Little Saigon đưa ra, thì “Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation” là tổ chức nhận trách nhiệm đã sát hại những nhà báo nói trên, và cũng là tổ chức mà FBI nghi là tên khác của Mặt Trận. Xin nghe ý kiến của ông?
Hoàng Cơ Định: Tôi nghe nói, sau vụ ông Dương Trọng Lâm bị ám sát, có truyền đơn, hay thư rơi, ký tên là “Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng” nhận trách nhiệm đã ám sát ông Lâm. Tên tiếng Mỹ “Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation” chắc dịch từ tên Việt Nam trên tờ truyền đơn đó. Đã từ mấy chục năm qua, tôi chưa thấy ai nhận là người của tổ chức này và chưa được đọc bất cứ tài liệu chính thức nào của cơ quan an ninh Hoa Kỳ xác nhận những cá nhân nào là thành viên của tổ chức Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng.
Tôi rất ngạc nhiên khi nghe nữ điều tra viên Tang-Wilcox thản nhiên bảo rằng tên gọi này là một tên khác của Mặt Trận. Tôi thấy đây là một khẳng định vũ đoán, một nhân viên điều tra có khả năng và trình độ chắc chắn không ăn nói như vậy.
NV: Mặc dầu không phải là chủ đề chính của phim tài liệu Terror in Little Saigon, phim có đề cập đến một việc mà người trong cộng đồng vẫn hay tranh cãi: Về cái chết của một số chiến hữu trong chiến khu. Có phải ông Hoàng Cơ Minh đã ra lệnh giết những người này?
Hoàng Cơ Định: Trong cộng đồng có đủ mọi thứ chuyện bà con tranh cãi với nhau, nhưng trong Mặt Trận thì chúng tôi chưa bao giờ tranh cãi về “cái chết của một số chiến hữu trong chiến khu” mặc dầu đã có những cái chết vì đụng độ với quân đội Cộng Sản hay bệnh tật.
Tôi được nghe lần đầu tiên chuyện ông Hoàng Cơ Minh ra lệnh giết kháng chiến quân... bằng tiếng Mỹ qua lời kể của ông A.C. Thompson, dịch từ một ông người Lào che mặt nói bằng tiếng Lào. Tôi không hiểu tiếng Lào và không biết ông người Lào này có thật sự biết về kháng chiến Hoàng Cơ Minh hay không. Đối với tôi những “chứng cớ” này không có giá trị mà chỉ là những cáo buộc được thổi phồng bởi ông A.C. Thompson.
NV: Phim có vẻ kết luận là chính phủ Mỹ đứng đằng sau hoạt động của Mặt Trận. Sự thật là gì?
Hoàng Cơ Định: Mỹ là siêu cường số một trên thế giới, không dễ để trả lời sự thật là Mỹ có đứng đằng sau hoạt động của Mặt Trận hay không. Điều chắc chắn tôi có thể trả lời được là trong suốt 30 năm hoạt động trong Mặt Trận, cá nhân tôi, và hết cả các chiến hữu mà tôi tin tưởng, chưa bao giờ chúng tôi phải xin phép Mỹ trước khi làm việc gì hay báo cáo cho Mỹ sau khi tiến hành một công tác.
NV: Theo tường trình của A.C. Thompson thì ký giả này đã gọi phôn tìm cách liên lạc với ông liên tục trong hai tháng, phải chăng đây là dịp để ông có thể nói rõ về, và Mặt Trận có thể làm sáng tỏ những nghi vấn về Mặt Trận, nhưng ông quyết định không trả lời phỏng vấn. Ông có thể chia sẻ sự cân nhắc của mình trong quyết định này?
Hoàng Cơ Định: Chẳng cứ gì A.C. Thompson, bất cứ ai muốn tôi dành thì giờ để luận bàn về mấy câu chuyện đồn đại hay thêu dệt về Mặt Trận cách đây 30 năm, tôi đều từ chối. Còn biết bao chuyện trong hiện tại và tương lai của dân tộc mà mình không có đủ thì giờ để lo toan, thực hiện... Sao lại phí giờ cho những chuyện... bao năm cũ.
Về mấy điều gọi là “nghi vấn về Mặt Trận,” cơ quan FBI họ đã điều tra hơn 15 năm và đã đi tới kết luận: “Không có bằng cớ gì liên hệ Mặt Trận với các vụ án mạng của người Việt,” không đủ để tin tưởng hay sao mà nay lại phải đi trần tình thêm rồi nhờ một phóng viên xa lạ, mà tôi hoàn toàn không biết về trình độ và tư cách, để “giải oan” cho mình!
Nay sau khi coi thiên phóng sự của A.C. Thompson, tôi thật mừng đã không dành thì giờ cho ông ta. Về giá trị nghề nghiệp, tôi không thấy ông ta là một ký giả công tâm, chưa kể ông ta có một thiên kiến chính trị khiến ông ta dị ứng không phải chỉ đối với Mặt Trận mà với hết cả những gì mang màu sắc quân lực Việt Nam Cộng Hòa hay người Việt chống Cộng.
NV: Giờ đây sau khi xem cuốn phim, ông có tiếc là mình đã bỏ lỡ cơ hội có thể góp phần làm cho nội dung cuốn phim đó khác đi không?
Hoàng Cơ Định: Không tiếc mà còn mừng. Nếu tham dự vào cuốn phim tôi không nghĩ là sẽ làm cho nó tốt thêm hay xấu đi. Tôi chưa hình dung được là nếu tôi tham gia vào cuốn phim của ông ta, A.C. Thompson sẽ nhào nặn tôi ra sao, nhưng chắc chắn tôi sẽ nhận được bài học kinh nghiệm “Thế nào là trao trứng cho ác.”
NV: Theo ông thì cuốn phim Terror of Little Saigon sẽ gây ảnh hưởng gì lên thanh danh của ông Hoàng Cơ Minh, Mặt Trận, đảng Việt Tân và cộng đồng người Việt tị nạn nói chung?
Hoàng Cơ Định: Tôi không nghĩ là cuốn phim Terror of Little Saigon sẽ gây ảnh hưởng xấu thêm cho ông Hoàng Cơ Minh và Mặt Trận. Cuốn phim này không ảnh hưởng lên ai đã ý thức được và cảm mến gương hy sinh cao quý của ông Hoàng Cơ Minh và các Kháng Chiến Quân.
Còn những lèm bèm cũ rích này sẽ ảnh hưởng ra sao lên thanh danh Đảng Việt Tân, có thể nói là nó chỉ tạo ảnh hưởng xấu lên những ai chưa bao giờ hoặc rất ít triển vọng sẽ đồng hành cùng Việt Tân trong công cuộc đấu tranh đem lại Tự Do và Dân Chủ cho dân tộc Việt Nam.
Điều đáng quan tâm hơn là đối với cộng đồng chúng ta, nó tạo hình ảnh xấu đối với người dân địa phương. Tuy vậy người dân địa phương cũng chỉ có chút đỉnh ngạc nhiên rồi sẽ chìm vào quên lãng vì “trận bão” tác giả khuấy lên dựa trên một số nét sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam cách đây 30 năm, bây giờ không còn như trước. Một vài kẻ vốn tìm nguồn vui trong các trò quấy hôi bôi lọ sẽ được một thời gian hạnh phúc vì có dịp a dua theo bạn đồng điệu người bản xứ, nhưng rồi bùn cũng sẽ dần lắng xuống.
NV: Ông còn điều gì khác muốn bày tỏ về sự việc này?
Hoàng Cơ Định: Cám ơn nhật báo Người Việt và ký giả Hà Giang đã cho tôi cơ hội nêu lên vài ý kiến về một hiện tượng chẳng tốt đẹp gì cho nếp sống văn hóa của người Việt Nam hải ngoại. Trong môi trường tự do này người ta có thể viết hay nói bất cứ điều gì họ muốn nhưng cũng trong môi trường tự do này, đã từng có những án mạng không tìm thấy thủ phạm, và ai cũng có quyền nghi và có thể bị nghi. Dùng bạo lực để đàn áp người cầm bút là một điều xấu xa, nhất là với một cộng đồng phải tỵ nạn vì bạo lực. Còn đối với người cầm bút đã nằm xuống, không thể có tiếng nói để tự biện bạch, thì cũng là điều tế nhị khi nhận định về trách nhiệm của họ đối với việc sử dụng ngòi bút. Nhưng nếu trong một cộng đồng, cứ một người cầm bút tử nạn là lập tức cho là họ bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách thì cộng đồng đó có đáng cho là đã trưởng thành hay chăng.
Áp dụng bạo lực đối với người cầm bút và kết án, bôi bẩn lẫn nhau một cách vô trách nhiệm dường như là hai tật bệnh mà cộng đồng người Việt hải ngoại đã bôi xấu chính mình trong thời gian qua. Bài phóng sự của ông A.C. Thompson đã đến với cộng đồng như một liều thuốc có tác dụng nuôi bệnh hơn là chữa bệnh. Việc làm của A.C. Thompson đã gây bất lợi cho nỗ lực đấu tranh của chúng tôi và bôi xấu hình ảnh của cộng đồng Việt Nam đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, trong phóng sự bằng hình này, cá nhân tôi không khỏi cảm phục A.C. Thompson về nỗ lực bươn chải để tìm cách chứng mình một điều mà ông cho là sự thật.
Về mặt tích cực, thiên điều tra cũng có bổ ích là đã đưa ra trên giấy trắng mực đen lời xác minh chính thức của cơ quan FBI:

“These cases were led by experienced FBI professionals who collected evidence and conducted numerous interviews while working closely with Department of Justice attorneys to identify those responsible for the crimes and seek justice for the victims. Despite those efforts, after 15 years of investigation, DOJ and FBI officials concluded that thus far, there is insufficient evidence to pursue prosecution.” [Dịch: Những trường hợp này được các chuyên gia giàu kinh nghiệm của FBI đảm nhiệm. Họ đã thu thập bằng chứng và tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn trong khi làm việc chặt chẽ với các luật sư của Bộ Tư Pháp để tìm ra những người đã gây ra tội ác và đi tìm công lý cho các nạn nhân. Bất chấp những nỗ lực đó, sau 15 năm điều tra, giới chức của Bộ Tư Pháp và FBI kết luận rằng cho đến nay, họ chưa có đủ bằng chứng để theo đuổi việc truy tố - NV].
Tôi cầu mong có ngày A.C. Thompson sẽ ngộ ra rằng K9 chỉ có trong đầu của ông ta mà thôi, nó không hiện hữu ở những nơi ông ta tìm kiếm, đó cũng sẽ là một bước tiến trong khả năng nghề nghiệp của ông ta.

NV: Cảm ơn ông đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.